Nhân rộng màu xanh rừng trồng

13:16 - Thứ Bảy, 24/10/2020 Lượt xem: 5705 In bài viết

ĐBP - Trước tình hình khí hậu diễn biến phức tạp thì việc trồng mới, bảo vệ rừng càng trở nên quan trọng. Ðể bảo đảm diện tích rừng trồng mới năm 2020 và các năm trước đó phát triển tốt, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, thời gian qua ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chủ rừng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc rừng; tuyên truyền người dân ngăn ngừa gia súc và sinh vật gây hại đến rừng.

Cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên hướng dẫn người dân bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn chăm sóc rừng trồng mới năm 2020. Ảnh: L.P

Năm 2020, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên triển khai trồng mới được 21ha rừng (đạt 85% kế hoạch giao). Hiện nay trên các diện tích trồng mới, màu xanh của cây keo non đã phủ kín đất đồi. Ban đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phụ trách các địa bàn thường xuyên phối hợp với trưởng các thôn, bản vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ. Nhờ đó không chỉ diện tích rừng mới trồng năm 2020 mà rừng trồng từ những năm trước đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Mường Pồn là một trong những xã có phong trào trồng rừng phát triển mạnh của huyện Ðiện Biên. Hầu hết các thôn, bản trên địa bàn có diện tích đất trống đều được người dân trồng rừng.

Ðến nay, rừng keo và thông của gia đình bà Lò Thị Xanh, bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn đã được 4 tuổi. Màu xanh mỡ màng của lá non phủ khắp sườn đồi. Bà Lò Thị Xanh cho biết: Năm 2016, khi được cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tuyên truyền về trồng rừng, tôi tham gia trồng cây keo, cây thông trên diện tích 0,6ha nương đang sản xuất. Sau mấy năm cây lên xanh tốt, nên tháng 6/2020, tôi dành hết diện tích nương còn lại 1,1ha để tiếp tục trồng rừng.

Năm 2020, gia đình anh Vì Văn Phương, xã Mường Pồn cũng tham gia trồng 600 cây keo và thông trên 0,3ha nương cũ. Anh Phương cho biết: Diện tích trồng rừng này các năm trước tôi thường trồng sắn. Sau nhiều năm đất đã bạc màu, năng suất giảm, hiệu quả không cao nên khi cán bộ xã, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tuyên truyền; nhất là chứng kiến rừng trồng của nhiều hộ dân phát triển tốt, gia đình tôi quyết tâm chuyển đổi sang trồng rừng. Hiện nay, tỉ lệ cây sống của gia đình tôi đạt trên 90%, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật gia đình tôi đã phát dọn thực bì lần 1, nhưng do mưa nhiều, cỏ dại mọc cao nên đang tập trung phát dọn thực bì lần 2, đồng thời vun gốc cây không để cỏ dại ảnh hưởng đến cây non.

Người dân xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) trồng rừng năm 2020. Ảnh: C.T.V

Ðể có những cánh rừng trồng xanh tốt như hiện nay, người dân tham gia trồng rừng được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật chăm sóc cây, nhất là kỹ thuật chăm sóc cây keo - loại cây được trồng chủ yếu. Trong năm đầu tiên và năm thứ 2, cây non thường xuyên được làm sạch cỏ, xới đất, vun đất quanh gốc, đào hai rãnh sâu đối diện nhau để bón phân. Năm thứ 3, khi cây đã khép tán thì phát sạch thực bì; tỉa cành, tỉa cây bị bệnh, còi cọc; làm cỏ, vun gốc và bón phân trợ lực cho những cây sinh trưởng chậm.

Ông Bùi Nam Thái, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên cho biết: Song song với việc trồng, chăm sóc hơn 117ha rừng trồng mới năm thứ tư và 40ha rừng bảo vệ năm thứ nhất, năm 2020 huyện Ðiện Biên được giao trồng mới 30ha rừng phòng hộ và đã tổ chức trồng được 21ha. Mùa trồng rừng năm nay điều kiện thời tiết rất thuận lợi, mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn, không như năm ngoái mùa khô kéo dài. Ðến nay, qua kiểm tra chất lượng rừng trồng mới, tỷ lệ cây sống, phát triển tốt đạt trên 90%, cao hơn rất nhiều so với những năm trước do người trồng rừng đã có kinh nghiệm từ những vụ trồng rừng trước. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của nhân dân về trồng rừng đã có sự chuyển biến tích cực, chịu khó bỏ công sức để chăm sóc rừng.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top