Vấn đề tuần này

Sản xuất nông nghiệp hướng về chất

09:07 - Thứ Năm, 14/01/2021 Lượt xem: 4620 In bài viết

ĐBP - Báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2020 cho thấy: Sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 3.819,12 tỷ đồng, tăng 2,38% so với năm 2019. Trong đó: Nông nghiệp 3.425,85 tỷ đồng (tăng 2,31%); lâm nghiệp 253,36 tỷ đồng (tăng 0,73%); thủy sản 139,91 tỷ đồng (tăng 7,45%). Ðóng góp của ngành vào GRDP của tỉnh chiếm 18,76%, tăng 1,52% so với năm 2019.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, xa các trung tâm kinh tế lớn, các khu, cụm công nghiệp chưa có, hoặc có nhưng quy mô nhỏ, chỉ thu hút được lượng lao động rất nhỏ. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích tự nhiên là đồi núi, ruộng nương, sông suối... thì phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là lựa chọn và ưu tiên hàng đầu trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh những năm tới đây.

Chính vì vậy, hiện tại và cả tương lai, ngành Nông nghiệp đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt để đổi mới từ phương thức quản lý đến chỉ đạo điều hành và trực tiếp sản xuất. Cũng đồng đất ấy, khi hậu ấy, ao hồ ấy... nhưng nhất thiết phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao. Tùy vào từng giống cây, con; tùy vào tiểu vùng khí hậu, văn hóa, tập quán người dân, ngành chủ quản sẽ chỉ đạo bà con nông dân sản xuất ra các mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

 Tại cánh đồng Mường Thanh, bên cạnh thâm canh gần 2.000ha lúa chất lượng cao, bà con đang triển khai hiệu quả 2 dự án cánh đồng lớn, quy mô 53ha; thí điểm dồn điền đổi thửa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 62ha. Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP được đẩy mạnh, với trên 100ha đạt tiêu chuẩn và được chứng nhận (6,2ha rau, 87ha dứa và 10ha lúa). Một số vùng sản xuất nguyên liệu đã được chứng nhận: Chè Shan tuyết Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng. Tại huyện Tuần Giáo, nông dân đang thực hiện dự án trồng thí điểm sâm Ngọc Linh tại xã Tênh Phông. Ðây là loại dược liệu quý, chỉ phù hợp với khí hậu một vài địa phương trong cả nước, nếu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao, mở hướng làm ăn mới cho bà con.

Sản xuất nông nghiệp hướng về “chất”, tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng, triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: Trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới; sản xuất nuôi trồng và chế biến nấm; sản xuất nuôi cấy đông trùng hạ thảo; nuôi tảo xoắn của Trung tâm Nghiên cứu - nuôi trồng tảo xoắn Spirulina Nguyễn Ðức Lợi; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả, cây mắc ca ở các dự án của doanh nghiệp... Với cách làm này, giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích so với trước tăng lên nhiều lần. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... thấy được lợi ích trước mắt và chiều hướng sẽ ổn định lâu dài nên tập trung nghiên cứu để mở rộng mô hình, dự án.

Thúc đẩy ngành Nông nghiệp ngày càng phát triển, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, sông suối, nguồn nhân lực hiện có, thì điều tiên quyết cần thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp ở một số lĩnh vực, một số địa phương thời gian qua có sự chững lại, thiếu quyết liệt; nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Có giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn; chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Chú trọng xúc tiến thương mại nông - lâm - thủy sản để tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng hóa nông sản; quan tâm công tác truyền thông để người nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế nắm rõ chủ trương, chính sách của tỉnh trong thu hút, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp. Bên cạnh các chính sách trên, những cán bộ trong ngành Nông nghiệp cũng phải chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng, tiến độ công việc được giao. Vì cơ chế thị trường, nếu tính cạnh tranh không công bằng, thiếu minh bạch; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước chậm đến với đối tượng thụ hưởng, nhất là với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì rất dễ “chết yểu”, liên kết nông nghiệp bị đứt gãy, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, khi đó thua thiệt nặng nhất vẫn là nông dân.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top