“Gian hàng Việt trực tuyến” - Cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường

08:51 - Thứ Năm, 15/04/2021 Lượt xem: 4973 In bài viết

ĐBP - Thương mại điện tử đã và đang chi phối, chiếm lĩnh thị trường và người tiêu dùng bởi lợi thế của mạng internet phủ rộng khắp. Trên địa bàn tỉnh ta với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, hoạt động mua bán online trở nên sôi động, số đơn vị có giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng. Việc phối hợp hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử bằng các chính sách hỗ trợ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao doanh số kinh doanh. Tuy nhiên còn không ít khó khăn cho doanh nghiệp để khai thác hình thức bán hàng này.

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại nhưng ở tỉnh ta còn có những khó khăn. Ảnh minh họa

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh cho biết: Biết tới các sàn thương mại điện tử từ rất sớm và doanh nghiệp cũng đã đăng ký bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Shopee.vn, Lazada.vn; tuy nhiên doanh thu từ các gian hàng điện tử này không như mong đợi mặc dù sản phẩm đăng ký bán đều được công nhận OCOP (Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình; Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và Diệp Thanh Trà - Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa). Chị Linh cho biết, hiện Công ty đã dừng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử này bởi đặc thù sản phẩm của Công ty bán phải là người đã hiểu về trà, thậm chí thử vị trong khi phần lớn các sàn thương mại điện tử này chưa thể tự đăng tải thông tin đầy đủ về sản phẩm cũng như đánh giá sản phẩm từ người tiêu dùng nên tương tác hạn chế. Công ty hiện đang đẩy mạnh bán hàng online trên facebook cá nhân, trang website và đem lại doanh thu khá, tăng nhiều đơn hàng so với phương thức bán hàng truyền thống. Doanh thu mỗi năm của Công ty gần 2 tỷ đồng, song chưa phải từ “kênh” bán hàng trên sàn giao dịch điện tử. Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ thì việc tham gia thương mại điện tử và bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử là tất yếu. Ðể bắt nhịp với phương thức kinh doanh hiện đại này, tới đây Công ty sẽ phát triển sản phẩm trà túi lọc và tin rằng sản phẩm này sẽ phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 đơn vị có giao dịch thương mại điện tử. Khi tiếp cận và khai thác được hiệu quả từ “Gian hàng Việt trực tuyến” có thể được xem là một trong số biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại, song trên thực tế việc tiếp cận với phương thức bán hàng này không dễ dàng. Hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ gần 17 năm qua và nằm trong tốp doanh nghiệp lớn của tỉnh, song Siêu thị Hoa Ba (Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba) chưa tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” dù giao dịch điện tử những năm qua đều tăng lên. Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Công ty cho biết: Dù mạng internet phát triển rộng khắp, song trên địa bàn tỉnh ta thì số người biết tới và sử dụng các ứng dụng Sendo.vn, Tiki.vn, Voso.vn... chưa nhiều. Người tiêu dùng mới bắt đầu hình thành thói quen sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo... để tìm hiểu thông tin, mua bán hàng hóa thông thường. Xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu đó nên Siêu thị Hoa Ba vẫn đang duy trì phương thức bán hàng truyền thống nhưng với phương thức đa dạng hơn (tư vấn qua điện thoại rồi giao hàng - nhận tiền; trao đổi thông tin qua facebook, trang website sieuthihoaba.com.vn rồi tư vấn, bán hàng)... Doanh nghiệp hướng tới phát triển song song 2 hình thức bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến, song chú trọng phương thức bán hàng truyền thống với cách thức tiếp cận khách hàng đa dạng, tạo thuận lợi cho khách hàng tham quan, mua sắm và hướng tới đầu tư xây dựng các siêu thị vệ tinh tại một số địa phương trong tỉnh. Khi nhu cầu mua bán trực tuyến của khách hàng nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi sang các hình thức bán hàng online phù hợp. Theo ông Nguyễn Chí Ba, biết rằng bán hàng truyền thống sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường không gian nên phát triển bán hàng online là cần thiết, song để đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như hiện nay là điều không dễ dàng.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp cũng như mang đến cho người dân môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, Sở Công Thương đã triển khai giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hoá cho doanh nghiệp tỉnh qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử. Hiện đang thông báo nội dung, kế hoạch hỗ trợ cụ thể đến các doanh nghiệp biết để đăng ký tham gia. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), việc hỗ trợ này được Bộ Công Thương triển khai từ cuối năm 2020 nhằm góp phần dần hình thành thói quen mua sắm mới thay thế một phần phương thức truyền thống, tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chương trình sẽ hỗ trợ quảng bá hình ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phân phối hàng hoá của doanh nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; các sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); các doanh nghiệp, sản phẩm tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các doanh nghiệp đặc sản địa phương, doanh nghiệp sản xuất uy tín tại địa phương do Sở Công Thương, UBND tỉnh giới thiệu... Chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”; hướng dẫn, đào tạo kỹ năng tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Ðặc biệt là chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp miễn phí mở gian hàng; miễn phí vận hành gian hàng, duy trì gian hàng từ 3 - 6 tháng (tính từ thời điểm tham gia); hỗ trợ phát triển thương mại đa kênh, liên kết theo chuỗi giá trị cho sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt...

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top