Kiềm chế nợ xấu sau dịch Covid-19

08:46 - Thứ Sáu, 16/04/2021 Lượt xem: 4301 In bài viết

ĐBP - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhận diện rõ nợ xấu và dự trù các kịch bản để xử lý hiệu quả, kiềm chế nợ xấu phát sinh. 

Cán bộ Ngân hàng LienVietPostBank giải quyết thủ tục vay vốn cho khách hàng.

Nợ xấu gia tăng

Báo cáo của NHNN tỉnh cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng đến 31/3/2021 trên địa bàn tỉnh là 438 tỷ đồng (trong đó nợ xấu của ngân hàng thương mại là 427,4 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội là 10,6 tỷ đồng), chiếm 2,37% tổng dư nợ, tăng 2,86 lần so với đầu năm 2020. Qua rà soát, phần lớn nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung vào một số ngành kinh tế, lĩnh vực như: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt (chiếm 1,18% tổng dư nợ); thương mại bán buôn, bán lẻ (chiếm 0,45%); xây dựng (chiếm 0,16%); các hoạt động dịch vụ khác như: Cho vay tiêu dùng, sửa chữa, cải tạo nhà ở… (chiếm 0,38%).

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ nợ xấu gia tăng là sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến doanh nghiệp và người dân do bị đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến không triển khai được phương án sản xuất kinh doanh như dự định ban đầu trong điều kiện bình thường. Do vậy, khách hàng không có nguồn thu để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Ðiện Biên (Agribank Ðiện Biên), từ đầu năm 2020 đến hết ngày 31/3/2021, nợ xấu đã phát sinh thêm hơn 237 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực sản xuất và phân phối điện có dư nợ xấu lớn nhất, trên 217 tỷ đồng. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến thiếu nguồn lao động trong và ngoài nước, đặc biệt các chuyên gia kỹ thuật người nước ngoài không sang hướng dẫn lắp đặt thiết bị theo kế hoạch nên hoạt động thi công xây dựng một số dự án bị gián đoạn; thiếu thiết bị, vật tư, vật liệu nhập khẩu để thi công một số hạng mục liên quan do việc nhập khẩu bị chậm trễ khiến dự án chậm tiến độ…

Tập trung hỗ trợ khách hàng

Trước tình hình khó khăn chung, một trong những giải pháp chủ yếu được các tổ chức tín dụng tập trung triển khai là cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Agribank Ðiện Biên, tính đến 31/3/2021, toàn chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ cho 742 khách hàng với tổng dư nợ được hỗ trợ trên 2.132 tỷ đồng. Trong đó: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 104 khách hàng với dư nợ gần 215,5 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu trên 146 tỷ đồng cho 22 khách hàng; hỗ trợ 619 khách hàng vay mới hơn 1.770 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Tổng số tiền hỗ trợ từ việc hạ lãi suất hiện hữu và cho vay ưu đãi là gần 35 tỷ đồng.

Ðồng hành cùng khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh, hàng loạt chương trình cho vay với mức ưu đãi lãi suất đã và đang được các ngân hàng tích cực triển khai. Ðiển hình như: Chương trình “Vay ưu đãi - lãi tri ân” mới được Ngân hàng Công Thương gia hạn đến 30/6/2021, đồng thời tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung, dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi tới 36 tháng; chương trình “Vay ưu đãi - lãi an tâm” nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn có thời hạn vay từ 24 tháng trở lên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình chi nhánh Ðiện Biên…

Song song với đó, NHNN tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường xuyên rà soát việc phân loại nợ, phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, các tổ chức tín dụng còn tăng cường xử lý nợ xấu, áp dụng triệt để các giải pháp xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Ðồng thời tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi tối đa các khoản nợ xấu…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tính đến 31/3/2021, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và hạ lãi suất vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.359 tỷ đồng, với 495 khách hàng. Trong đó, dư nợ miễn, giảm lãi vay với số tiền là 604 tỷ đồng cho 308 khách hàng, số lãi được miễn giảm 1,23 tỷ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 516 tỷ đồng cho 161 khách hàng; dư nợ được hạ lãi vay là 239,2 tỷ đồng cho 26 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 3.378 tỷ đồng với số dư nợ 1.890 tỷ đồng, 723 khách hàng.

Thời gian tới, để hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu phát sinh, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong đó tập trung triển khai thực hiện Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 của NHNN Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top