Nâng cao giá trị nông sản Ðiện Biên

08:55 - Thứ Sáu, 16/04/2021 Lượt xem: 4301 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đạt được những kết quả tích cực, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, nâng cao giá trị. Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh tương đồng về tiềm năng và điều kiện phát triển thì nông nghiệp Ðiện Biên còn nhiều hạn chế. 

Người dân chăm sóc cây ăn quả thuộc Dự án liên kết trồng cây ăn quả tại xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng.

Bài học từ Sơn La

Trước đây, Sơn La từng là vựa ngô lớn nhất, nhì cả nước song cuộc sống người dân bấp bênh, nhiều năm ngô được mùa mất giá ảnh hưởng tới cuộc sống hàng nghìn hộ dân trồng ngô, nhiều hộ tái nghèo, tăng tỷ lệ hộ đói giáp hạt. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020, chủ trương về phát triển cây ăn quả trên đất dốc như một cuộc “cách mạng nông nghiệp” ở Sơn La làm thay đổi nhận thức của cả cơ quan quản lý Nhà nước và tư duy của người sản xuất, cây trái bát ngát triền đồi với những mùa quả bội thu. Sơn La trở thành hiện tượng trong phát triển nông nghiệp của cả nước. Năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có 78.500ha cây ăn quả, lớn thứ 2 toàn quốc, trong đó 10.000ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cấp mã vùng trồng. Tổng sản lượng quả các loại đạt 350.000 tấn. Ðến nay, Sơn La có 21 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, 1 sản phẩm được bảo hộ tại thị trường Thái Lan; duy trì phát triển 160 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được cấp chứng nhận. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến nông sản của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã vận hành, hoạt động và 50 cơ sở chế biến quả của các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp.

HTX Thiên Tân, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn có 20ha xoài Ðài Loan, năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn quả/ha. Sản phẩm xoài của HTX đã được xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ tại thị trường nhiều tỉnh trong cả nước.

Ông Nguyễn Bá Tuân, Giám đốc HTX Thiên Tân cho biết: “Quá trình phát triển HTX đã thử nghiệm rất nhiều giống xoài để tìm ra giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn, đến nay mỗi thành viên HTX đều thành thục kỹ thuật chăm sóc cây, có thể điều chỉnh về năng suất, sản lượng quả xoài trên từng cây theo ý muốn và theo từng điều kiện cụ thể”.

Có thể nói bên cạnh sự nỗ lực của người dân, HTX thì thành công của nông nghiệp Sơn La có sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Ðã có những chức danh được gọi như: “Phó chủ tịch tỉnh bán hoa quả”, “Giám đốc Sở Nông nghiệp bán xoài”… Những người được tỉnh giao nhiệm vụ thường xuyên túc trực tại các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc từ Quảng Ninh đến Lạng Sơn để làm công tác xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc; thường xuyên có mặt tại Hà Nội để làm việc với Ðại sứ quán các nước, thực hiện các thủ tục pháp lý và đặt vấn đề xuất khẩu nông sản; tổ chức hàng trăm cuộc giới thiệu nông sản Sơn La tới các thị trường khắp cả nước. Cộng hưởng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị là thành công ngày hôm nay.

Cần lộ trình bài bản, phù hợp

Khái niệm “áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” hay “công nghiệp hóa nông nghiệp” ở Ðiện Biên không còn mới mẻ. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều mô hình đã được triển khai đến người nông dân; các tiêu chuẩn, liên kết về nông nghiệp như: VietGAP, “4 nhà” đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn rất hạn chế, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng.

Qua tìm hiểu thực tế tại Sơn La, căn bản thành công bắt nguồn từ việc họ có nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả. Như huyện Yên Châu, rất nhiều vùng chuyên canh xoài đã được trồng từ những năm 2007. Sau đó, khi có chính sách của tỉnh thì bắt đầu chiết, ghép, lai tạo với các giống xoài chất lượng để có được sản phẩm chất lượng. Như vậy, xây dựng vùng chuyên canh là điều kiện tiên quyết. Ðối với tỉnh ta, dù đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và từ năm 2018 đến nay, tỉnh cũng đã triển khai nhiều dự án tại các địa bàn này nhưng đến nay các vùng chuyên canh vẫn chưa hình thành rõ ràng, hiệu quả các dự án liên kết phát triển cây ăn quả chưa cao.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh hỗ trợ 118 dự án về lĩnh vực trồng trọt, trong đó có 98 dự án về cây ăn quả (bưởi, xoài, nhãn, mít…) với quy mô hỗ trợ 745ha; có 6 dự án về cây chanh leo quy mô hỗ trợ 75ha, 6 dự án về lúa gạo với quy mô 250ha, rau màu có 7 dự án với quy mô trên 10ha và 1 dự án hỗ trợ về cây chè quy mô 32ha. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đánh giá, các dự án còn rất nhiều hạn chế như: Một số diện tích trồng cây ăn quả (bưởi, xoài) chưa được quan tâm đầu tư chăm sóc (bón phân, tỉa cành…) theo quy trình kỹ thuật dẫn đến cây sinh trưởng, phát triển kém; nhiều dự án lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia chưa phù hợp; nhiều diện tích cây trồng thiếu nguồn nước tưới chủ động, đất có độ dốc lớn, nhiều sỏi đá… Những hộ dân tham gia, nhất là hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng đầu tư, chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây trồng trong dự án liên kết.

Ở Sơn La, mô hình kinh tế HTX phát triển rất hiệu quả và bền vững. HTX chịu trách nhiệm hướng dẫn các thành viên đảm bảo kỹ thuật, yêu cầu chất lượng sản phẩm và thu gom sản phẩm để tiêu thụ tới các doanh nghiệp, tập đoàn. Tỉnh ta có 245 HTX nhưng chỉ có 20 - 30% HTX hoạt động hiệu quả, số còn lại ở mức trung bình và yếu; hàng năm có 10 - 12 HTX giải thể hoặc tan rã. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng việc phát triển, hỗ trợ các HTX phát triển hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương chưa được cụ thể hóa, các doanh nghiệp, HTX chưa được thụ hưởng. Do đó, mô hình kinh tế HTX hoạt động hiệu quả chưa cao.

Khi đã có vùng chuyên canh lớn, có sản phẩm thì sự vào cuộc, đồng hành của “nhà nước” đối với “nhà nông” là rất quan trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai rầm rộ; giới thiệu, quảng bá sản phẩm mọi lúc mọi nơi; tăng cường kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến tại địa bàn... đã giúp ngành Nông nghiệp Sơn La phát triển theo quy trình khép kín, hiệu quả cao.

Một số ý kiến cho rằng Ðiện Biên có vị trí địa lý xa xôi hơn so với Sơn La, chưa có đường cao tốc; đường hàng không hạn chế... nên rất khó thu hút doanh nghiệp đến thu mua, tiêu thụ và đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng lý do này không thực tế bởi nhiều doanh nghiệp tận TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Tháp... đã lặn lội hàng ngàn kilômét đến Sơn La để thu mua sản phẩm, đầu tư. Không lẽ thêm gần 200km nữa thì Ðiện Biên đã quá xa xôi? Vấn đề ở chỗ là phải có vùng nguyên liệu đủ lớn, hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta xác định phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tương xứng với tiềm năng. Ngành Nông nghiệp cần lộ trình phát triển phù hợp, bài bản. Chúng ta không cứng nhắc hay máy móc áp dụng dập khuôn công thức của Sơn La nhưng đó là kinh nghiệm quý giá để học hỏi, vận dụng phù hợp với tỉnh ta.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top