Trợ lực của hộ nghèo

10:46 - Thứ Bảy, 17/04/2021 Lượt xem: 4571 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ lực cho nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh vươn lên. Bằng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ðược hỗ trợ vốn vay, anh Lò Văn Lả, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) đầu tư nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lò Văn Lả, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) ít ai biết rằng trước đây gia đình anh là một trong số những hộ nghèo của xã. Bước ngoặt đến vào năm 2004 khi thông qua Hội Nông dân xã Thanh Luông, anh Lả được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðiện Biên, cùng với số tiền vay mượn thêm người thân để đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Anh Lả đã thuê máy xúc đào 4 ao thả cá, với tổng diện tích hơn 3.000m2. Ðược tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá nên cá của gia đình anh Lả sinh trưởng nhanh, ít bị bệnh. Ðến nay, trung bình mỗi năm ao cá cho xuất bán từ 3 - 4 tấn cá thương phẩm. Ngoài nuôi cá, gia đình anh Lả còn trồng gần 7.000m2 cây ăn quả, như: Nhãn ghép, xoài, bưởi...  Trừ chi phí mỗi năm anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh Lả đã trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Thanh Luông.

Còn với gia đình anh Lò Văn Sương, bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên) cũng là một trong nhiều trường hợp được thụ hưởng và phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðiện Biên, anh Sương đã đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, đào ao thả cá, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo. Nếu như trước đây do chưa tiếp cận được nguồn vốn để chăn nuôi, gia đình anh phải vay mượn người thân đầu tư nhưng do vốn ít nên không hiệu quả thì với nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình anh Sương thoát nghèo.

Nhờ “phủ sóng” rộng rãi, kịp  thời, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội những năm qua đã trợ lực, tạo đà giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vươn lên, đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, những năm gần đây với nhiều chương trình tín dụng mới như: Cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cho vay nhà ở xã hội… đã đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 3% - 4%. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, doanh số cho vay quý I/2021 đạt 249,705 tỷ đồng, với 5.084 lượt khách hàng vay vốn. Tính đến hết tháng 3/2021, toàn tỉnh có 75.878 khách hàng còn dư nợ; chủ yếu dư nợ các chương trình cho vay như: Hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh khu vực khó khăn, hộ mới thoát nghèo… Không chỉ tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể và cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân lựa chọn cây, con phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện trong thời gian qua đã phát huy vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, hàng chục nghìn lượt hộ nghèo đã vượt qua ngưỡng nghèo; hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được sửa chữa, đầu tư… Ðây là nguồn trợ lực cho người nghèo, đối tượng chính sách giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội địa phương; duy trì và nâng cao chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top