Cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm việc khai thác rừng phòng hộ ở Tỏa Tình

16:26 - Thứ Bảy, 17/07/2021 Lượt xem: 5448 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, nhiều hộ dân đã làm đơn xin khai thác gỗ thông (thuộc rừng phòng hộ) tại khu vực bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) vàđã nhiều lần chính quyền huyện làm việc trực tiếp với người dân, trả lời không cho phép khai thác rừng phòng hộ. Tuy nhiên gần đây người dân đã tự ý khai thác gỗ.

Lực lượng kiểm lâm kiểm đếm, đo đường kín gỗ thông đã khai thác.

Tự ý khai thác rừng phòng hộ

Cùng đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra thực địa cánh rừng thông ở bản Hua Sa A, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhiều cây to đã bị đốn hạ, cắt khúc, nằm la liệt. Điều đáng nói là khu vực khai thác gỗ cách trụ sở UBND xã Tỏa Tình chỉ vài trăm mét và các lán trại được dựng ngay bên đường đến trụ sở. Qua kiểm đếm sơ bộ của lực lượng chức năng,có khoảng 600 cây thông bị chặt hạ theo hình thức khai thác chọn lọc, theo đám, ước tính khoảng 85 - 90m3 gỗ. Diện tích san ủi mặt bằng để vận xuất lâm sản ra khỏi địa bàn khai thác chừng 4.500m2. Kiểm tra hiện trường, mặt cắt ngang của gốc cây thông do vết cắt bằng cưa máy, thời gian chặt hạ khoảng 30 ngày trở lại.

Đối chiếu bản đồ cho thấy, toàn bộ diện tích rừng thông này đều quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định 1208/QÐ-UBND, ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Diện tích này đã giao cho các hộ dân để quản lý, bảo vệ và đang được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng.

Hộ cá thể khai thác gỗ là ông Trần Duy Tuấn (tiểu khu 9, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), cho biết: Theo hợp đồng với 29 hộ dân, giữa tháng 6/2021 tôi đã thuê chủ hộ khai thác gỗ thông với giá 1 triệu đồng/m3. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ mua gỗ có xác nhận của trưởng bản và UBND xã Tỏa Tình; phương án khai thác, tận dụng, tận thu của chủ rừng; báo cáo địa danh, diện tích khối lượng lâm sản dự kiến khai thác của chủ rừng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình (bản phô tô). Số cây gỗ thông đã chặt hạ là của 7/29 hộ gia đình đã hợp đồng. Tôi đã thuê máy xúc của người dân ở huyện Tuần Giáo và TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) với giá 600.000 đồng/giờ để mở đường vận xuất, vận chuyển.

Được Nhà nước giao trồng rừng thông từ năm 1997, gia đình ông Ly Vả Vư, bản Hua Sa A (1 trong 7 hộ dân đã khai thác gỗ thông) nhiều năm nay đã làm đơn đề nghị được cấp thẩm quyền cho khai thác rừng thông. Đây cũng là mong muốn của 29 hộ dân được giao quản lý rừng phòng hộ nơi đây dù vẫn đang được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông Vư cho biết: Khi một số cây thông bị chết, tôi có trồng xen cây mỡ, cây trẩu. Sau 24 năm, cây thông đã đến tuổi khai thác với số lượng là 80 cây. Bởi vậy, gia đình đã hợp đồng với ông Trần Duy Tuấn để khai thác gỗ thuộc lô 05,10; khoảnh 2,17; tiểu khu 816,641 với sản lượng khai thác hơn 11mvà cam kết trồng rừng lại sau khai thác. Việc này đã được Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, Lầu A Dùa xác nhận trong nội dung “Đơn xin khai thác” của gia đình ông Vư vào tháng 6 vừa qua.

Khu vực rừng thông tại bản Hua Sa A bị khai thác nhìn từ trên cao.

Cần xử lý nghiêm

Từ cuối năm 2017, người dân đã liên tục làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng cho phép khai thác toàn bộ diện tích gỗ thông tại bản Hua Sa A. Gần đây nhất là ngày 1/6, 20 hộ dân đã có đơn xin được phép khai thác, theo phương án khai thác tận thu, tận dụng kèm báo cáo diện tích, sản lượng khai thác (có xác nhận của UBND xã Tỏa Tình) gửi Hạt Kiểm lâm huyện. Song từ trước đến nay, nhiều lần chính quyền huyện đã làm việc trực tiếp với người dân, trả lời rõ người dân không được phép khai thác.

Về việc khai thác rừng thông, ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù mong muốn của người dân là vậy song rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu. Từ đó góp phần bảo vệ môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, sản xuất trong rừng phòng hộ và các hoạt động sử dụng rừng phòng hộ khác phải được thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Nếu chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn để khai thác thì cần có sự đồng  ý của chính quyền địa phương, đơn vị chức năng. Kể cả nếu đây là rừng sản xuất, cá nhân tự bỏ tiền ra trồng nhưng khi tiến hành khai thác vẫn phải làm thủ tục kê khai, ghi rõ nguồn gốc.

Trực tiếp kiểm tra hiện trạng khai thác gỗ thông tại bản Hua Sa A, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cho rằng đây là sự việc đáng tiếc. Nhiều năm qua huyện Tuần Giáo đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng do sơ sẩy là đã gây hậu quả. Diện tích rừng thông là diện tích rừng hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đã bàn giao cho các hộ quản lý. Người dân tự ý khai thác là chưa đúng, vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác quản lý, bảo vệ rừng. Qua kiểm tra thực địa cho thấy việc khai thác này khối lượng gỗ lớn và tổ chức khai thác quy mô. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, huyện Tuần Giáo đã biết nguyện vọng của bà con nhiều năm qua xin cho phép khai thác diện tích rừng nhưng chính quyền đã không quyết liệt xử lý. Thực tế, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo,đặc biệt là chính quyền xã Tỏa Tình cũng như kiểm lâm địa bàn biết sự việc nhưng vẫn để diễn ra. Do đó huyện Tuần Giáo cần làm rõ trách nhiệm việc khai thác rừng thông ở Tỏa Tình; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top