Vấn đề hôm nay

Doanh nghiệp đang ngồi trên đống lửa

15:58 - Thứ Tư, 21/07/2021 Lượt xem: 3723 In bài viết

ĐBP - Mấy tháng gần đây, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt giá sắt thép tăng mạnh. Có thời điểm giá sắt thép tăng 40 - 50% so với những tháng cuối năm 2020. Hiện tại, giá sắt thép đã chững và đang giảm dần, nhưng nhìn chung vẫn rất cao. Giá sắt thép đang giao động từ 18.000 - 19.000 đồng/kg (tùy loại). Với mức giá này, nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng sử dụng nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào là sắt thép như đang ngồi trên đống lửa. Tiếp tục thi công thì lỗ chồng lỗ, mà ngừng thi công cũng không được, vì đã ký hợp đồng trọn gói, cam kết thời gian, tiến độ với chủ đầu tư rồi. Nay dừng thi công thì tự mình phá vỡ hợp đồng, vừa mất uy tín trên thương trường, vừa bị phạt theo quy định của Nhà nước.

Lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 "than" rằng, nếu giá sắt thép không giảm mà giữ như hiện nay thì doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Đơn cử, Nhà máy Thủy điện Huổi Chan (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) với công suất 16MW đang trong giai đoạn thi công ồ ạt. Công ty sử dụng lượng sắt thép lên đến trên 1.000 tấn. Thời điểm phê duyệt đầu tư dự án giá sắt thép chỉ 13.000 - 14.000 đồng/kg, nay tăng lên 18.000 - 19.000 đồng/kg. Tính ra, tiền trượt giá sắt thép để thi công nhà máy lên gần 5 tỷ đồng. Sắt thép tăng, kéo theo nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng. Do vậy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, là công trình do tư nhân làm chủ đầu tư nên giá vật liệu nói chung, sắt thép nói riêng có tăng thế nào thì doanh nghiệp vẫn phải chịu.

Bên cạnh Thủy điện Huổi Chan, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh: Trục đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung (dọc trục đường 60m); Khu tái định cư số 1 (Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên); Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Pồ (giai đoạn 2)... Phần lớn các công trình, dự án trúng thầu nhiều năm trước, nhưng nay mới được bố trí vốn, mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Có những hạng mục công trình Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu cam kết thời gian hoàn thành khối lượng "rin" theo ngày, như Trường Liên cấp khu Tái định cư Thanh Trường, hay Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Pồ. Đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời điểm giá sắt thép tăng cao, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vốn bố trí chậm, ít, trong khi tiến độ thì yêu cầu đẩy nhanh, giá cả thì leo thang. Theo tính toán, riêng giá sắt thép để thi công những dự án trọng điểm, đòi hỏi gấp rút về tiến độ này, Công ty thua lỗ gần 10 tỷ đồng.

Giá cả vật liệu xây dựng leo thang, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Tùng cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Công ty trúng thầu xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú huyện Nậm Pồ, tổng mức đầu tư 41 tỷ đồng. Khái toán, Công ty sử dụng hết trên 300 tấn sắt thép. Với mức trượt giá như hiện nay, Công ty thua lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Công ty Quản lý đường bộ 2 khi trả lời báo chí cũng "kêu như vạc" về giá sắt thép tăng quá cao, trong khi các doanh nghiệp đều trúng thầu dự án theo phương thức trọn gói. Biết là lỗ nhưng vẫn phải làm, vì liên quan đến uy tín, danh dự nhà thầu trước chủ đầu tư, trước lãnh đạo tỉnh; một mặt là để giải quyết việc làm, chế độ chính sách... cho công nhân, người lao động.

Điện Biên là tỉnh khó khăn, hàng năm nguồn vốn đầu tư công không lớn. Vốn cho các công trình, dự án thường cũng không được giải ngân, bố trí kịp thời nên nhiều nhà thầu vừa thi công vừa vay tiền ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ. Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế. Các công ty, doanh nghiệp lại càng khó khăn chồng chất, do phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời hoặc phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm để đảm bảo giãn cách phòng chống dịch bệnh.

Khó chồng khó nên các doanh nghiệp mong muốn, trong thời gian tới Chính phủ nên có chính sách điều chỉnh bù giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá sắt thép tăng cao như thời gian gần đây. Vì rằng, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, trong 2 năm qua, Chính phủ đã 2 lần ban hành gói an sinh trị giá 88.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mất việc, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập... Đấy là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay. Và để cứu doanh nghiệp, thêm một lần nữa, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kiểm soát tốt việc tăng giá các mặt hàng nói chung, giá nguyên vật liệu xây dựng nói riêng. Đấy cũng là chính sách để kích cầu, cứu doanh nghiệp vượt qua cơn "bĩ cực", đồng thời thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Vì doanh nghiệp là "xương sống", là "trụ đỡ" của nền kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới mạnh, mới có tiềm lực để cùng Nhà nước chống "giặc" Covid-19 được.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top