Xử lý nghiêm vi phạm để giữ rừng hiệu quả

15:33 - Thứ Năm, 29/07/2021 Lượt xem: 4360 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, một số địa phương trong tỉnh xảy ra các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vi phạm về chuyển mục đích sử dụng rừng. Trước thực tế này, việc tăng cường biện pháp quản lý cũng như xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là rất cấp thiết. Các tổ chức, cá nhân vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng tính chất mức độ vi phạm để bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên rừng.

Lực lượng kiểm lâm tiến hành đo đạc, kiểm đếm tang vật vụ vi phạm lâm nghiệp. Ảnh tư liệu

Các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và Pá Khoang mới sáp nhập vào TP. Điện Biên Phủ, song đây cũng là những địa bàn phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện khoảng 50 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, chủ yếu xảy ra trên địa bàn các xã mới sáp nhập vào thành phố (trong đó tiếp nhận từ Ban Quản lý rừng Mường Phăng hơn 10 vụ).

Trao đổi với chúng tôi, bà Lò Thị Thi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Công tác bảo vệ và phát triển rừng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở 4 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và Pá Khoang. Và khi Ban Quản lý rừng Mường Phăng không có đủ thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm thì Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ phải tiếp nhận để xử lý nên số vụ vi phạm khá cao. Có những vụ, người dân vào rừng chặt củi về làm chất đốt nhưng chúng tôi cũng phải xử lý nghiêm, có như vậy bà con mới nâng cao ý thức, chấp hành các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Kể từ khi quản lý, bảo vệ rừng của 4 xã trên, đơn vị đã tiến hành khởi tố gần 10 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. 6 tháng đầu năm 2021, địa bàn thành phố có số vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp nhiều nhất và Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ luôn xử lý nghiêm để răn đe người dân, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương, khai thác gỗ trái pháp luật…

Mới đây nhất, Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP. Điện Biên Phủ xử lý trường hợp ông Chá A Và, bản Huổi Chan 2, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên), vì tự ý phá hơn 3.300m2 rừng phòng hộ để làm nương ở khu vực bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ). Phát hiện vụ việc từ đầu tháng 6/2020 nhưng Hạt Kiểm lâm thành phố phải điều tra, tổ chức họp bản truy tìm đối tượng để tiến hành khởi tố. Bà Thi cho biết thêm: Sau khi đơn vị tiến hành các thủ tục khởi tố vụ việc phá rừng của ông Chá A Và, những ngày trung tuần tháng 7/2021, chúng tôi đã quay lại khu vực lân cận đó để kiểm tra thì không còn tình trạng phá rừng bừa bãi nữa. Đó là một tín hiệu đáng mừng khi cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm…

Để nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Thành lập các đoàn kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức tuần tra, kiểm soát tình hình khai thác lâm sản, xâm phạm đất rừng và các hoạt động mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, 6 tháng đầu năm 2021, số vụ vi phạm do Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) xử lý và bắt giữ đã giảm đáng kể; chỉ có 4 vụ việc (2 vụ vi phạm có chủ, 1 vụ không có chủ và 1 vụ đang xác minh); nộp Ngân sách Nhà nước trên 37 triệu đồng.

Thực tế hiện nay nhiều vụ việc phá rừng xảy ra do cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa làm tròn trách nhiệm được giao trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp, còn coi đó là nhiệm vụ của kiểm lâm và các cơ quan chức năng. Chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, cá nhân thiếu năng lực, trách nhiệm trong quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao. Bên cạnh đó, do giá trị lâm sản cao, mang lại lợi nhuận lớn khiến tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái pháp luật các loại lâm sản quý hiếm (đặc biệt là gỗ nghiến dạng thớt ở các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa) diễn biến phức tạp. Mặt khác do ảnh hưởng dịch, bệnh Covid-19, người dân không có việc làm, dẫn đến tình trạng phá rừng lấy đất canh tác, sản xuất tại một số địa phương... là những khó khăn thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các vụ vi phạm, nhất là lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với lực lượng công an trong điều tra, khám phá các vụ việc xâm hại rừng thì số vụ vi phạm sẽ giảm đáng kể.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 162 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (giảm 72 vụ so với cùng kỳ năm 2020) và đã tiến hành xử lý 142 vụ; trong đó có 8 vụ hình sự, 134 vụ hành chính). Tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp giảm về số vụ cũng như tính chất mức độ vi phạm so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,9%, (tăng 0,24% so với năm 2020, tương đương tăng 2.289ha; đạt 99,86% kế hoạch năm 2021).

Từ những kết quả đã đạt được, để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng xâm canh, xâm cư, có biện pháp giải quyết, xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm, nhất là các địa bàn trọng điểm, các vùng giáp ranh có nguy cơ bị xâm hại. Các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng… Như vậy mới đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top