Chậm giải ngân làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

14:18 - Thứ Sáu, 27/08/2021 Lượt xem: 3349 In bài viết

ĐBP - Ông Đinh Bảo Dũng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Theo dõi tiến độ giải ngân tháng 7 vốn đầu tư công đã có chuyển biến hơn so với những tháng đầu năm, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 7/2021 của toàn tỉnh vẫn đạt ở mức độ thấp. Lũy kế giá trị giải ngân, thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7 gần 823,6 tỷ đồng, đạt 25,65% so với tổng kế hoạch vốn năm 2021 (không bao gồm trả phí, lãi vay, vay). Trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương giá trị giải ngân hơn 329,3 tỷ đồng (đạt 33,82%); vốn ngân sách Trung ương giá trị giải ngân trên 494,2 tỷ đồng (đạt hơn 22% so với kế hoạch vốn). Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương, tiến độ hoàn thành các dự án.

Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Ánh Tuyết tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp Trường Mầm non Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ).

Đối với kế hoạch vốn được giao năm 2021, tiến độ giải ngân, thanh toán trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2021 tương đối chậm, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 24,1% so với kế hoạch vốn giao. Nhiều đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Sở Công Thương (3,11%), huyện Tủa Chùa (6,62%), huyện Nậm Pồ (6,9%), huyện Điện Biên Đông (gần 9,4%), huyện Tuần Giáo (hơn 11,8%), Sở Giáo dục và Đào tạo (gần 19,3%), thành phố Điện Biên Phủ (27,2%). Đặc biệt một số đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân (0%) như: Sở Y tế, TX. Mường Lay, Trường Cao đẳng Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tương tự, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 được phép kéo dài sang năm 2021 toàn tỉnh cũng còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt 32,73% so với kế hoạch vốn). Một số đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Huyện Tuần Giáo (0,25%), huyện Điện Biên (2,65%), Ban Quản lý dự án các công trình Dân dụng và Công nghiệp (2,88%), Ban Quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (4,28%), Sở Giáo dục và Đào tạo (4,37%), huyện Nậm Pồ (hơn 13%). Đáng chú ý một số đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân (0%) như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng. Kế hoạch vốn kéo dài còn lại chưa giải ngân còn khá lớn (hơn 382,9 tỷ đồng). Thời gian giải ngân vốn kéo dài theo quy định đến hết ngày 31/12/2021, số vốn không thanh toán được sẽ bị hủy bỏ. Riêng đối với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia khi hết thời gian thanh toán sẽ thu nộp về ngân sách Trung ương sẽ rất thiệt thòi cho một tỉnh nghèo như Điện Biên.

Ngoài nguyên nhân do số vốn thuộc các dự án khởi công mới năm 2021 chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết còn lớn, chiếm 32,9% số vốn UBND tỉnh giao đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm thì ảnh hưởng của đại dịch Coid - 19 bùng phát tại địa phương vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua khiến tiến độ thi công xây dựng nhiều dự án bị chậm chễ. Những tháng đầu năm chủ đầu tư thường tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020. Mặt khác, một số dự án, công trình khởi công mới được bố trí vốn năm 2021 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện. Do thay đổi chính sách của Nhà nước và bất cập trong quá trình thực hiện chính sách nên một số dự án chưa thể triển khai; một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm còn do yếu tố chủ quan của một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: Dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; thanh, quyết toán dự án còn chậm; công tác phối hợp ở một số đơn vị liên quan chưa chủ động, thiếu quyết liệt…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ông Đinh Bảo Dũng, cho biết: Sở Tài chính đã đề nghị các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo thời gian, đúng mục tiêu, hiệu quả, tiết kiệm và theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Tham mưu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 cho các dự án khởi công mới đủ điều kiện ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, có tác động lan tỏa trong phạm vi địa phương, vùng, liên vùng… Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2021 (bao gồm cả số vốn năm trước chuyển sang) theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ, đến 30/9/2021 tỷ lệ giải ngân đạt từ 60% trở lên và đến ngày 31/1/2022 giải ngân đạt từ 95 - 100% kế hoạch vốn.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top