Đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

07:57 - Thứ Hai, 30/08/2021 Lượt xem: 3631 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhờ được hỗ trợ pháp lý, các chủ trương chính sách mới, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn hơn trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phú Mỹ, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ kiểm tra tủ điện hòa lưới điện Dự án Điện mặt trời do Công ty mới đầu tư.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.400 doanh nghiệp, 18.173 hộ kinh doanh và gần 200 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, chủ yếu trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ (chiếm tỷ lệ 66%) với quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Trong đó số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp và xây dựng chiếm 44%; lĩnh vực thương mại 31%; lĩnh vực dịch vụ 22%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 2%. Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai qua nhiều hình thức. Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử các cấp, ngành chức năng đã cập nhật, đăng tải văn bản pháp luật; bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan. Một số sở, ngành của tỉnh đã có cách thức riêng để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp về các điều kiện để tiếp cận với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động; các quyết định sửa đổi, bổ sung các điều kiện doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Bảo hiểm xã hội tỉnh hàng năm tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư tập huấn về công tác đấu thầu, đánh giá giám sát đầu tư. Cơ quan thuế đã nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp. Đến nay, có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện kê khai thuế qua mạng internet và đăng ký nộp thuế điện tử.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các các doanh nghiệp về lĩnh vực thuế cũng như trong sản xuất kinh doanh. Chia sẻ về đề này ông Dương Duy Bảy, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/3/2021, quy định, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp chi ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp, tổ chức nắm được chủ trương này, Cục Thuế tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn dưới nhiều hình thức để các tổ chức, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nắm rõ những lợi ích mà chính sách mang lại, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, ủng hộ hoạt động phòng, chống Covid-19.

Là một trong những đơn vị nắm rất chắc về kiến thức pháp lý đầu tư kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc bày tỏ: Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn về các chính sách pháp luật trong đầu tư, Công ty đã nắm rõ các quy định và cơ chế vận hành khi đầu tư tại Điện Biên; hiện Công ty đang xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại huyện Mường Ảng với chính sách ưu đãi đi kèm là 7 năm Công ty không phải trả tiền thuê đất. Mới đây, Huyện Mường Ảng phát động quyên góp ủng hộ người dân TP. Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch Covid-19, Công ty đã ủng hộ 50 triệu đồng vào hoạt động ý nghĩa này. “Theo hướng dẫn của cơ quan thuế thì chi ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, Công ty sẽ được trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế, đây là chính sách lợi cả đôi đường mà công ty mới được phổ biến và tiếp cận. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp vào những hoạt động ý nghĩa này” - ông Phạm Bá Phương cho biết thêm.

Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh... có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến pháp lý trong thời gian qua. Nhờ vậy, chỉ số về thiết chế pháp lý (thuộc bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI) đã tăng từ mức điểm 4,67 (năm 2016) lên 6,71 điểm hiện nay. Đây là con số được đánh giá cao thứ hai trong 10 chỉ số thành phần của PCI Điện Biên đến thời điểm hiện tại.

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan chức năng của tỉnh rất bổ ích đối với các doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng thương mại bởi ngành ngân hàng liên quan rất nhiều tới các luật như: Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đất đai... Hiệp hội Doanh nghiệp cũng đã thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây được xem như “người bảo trợ” pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, công tác hỗ trợ pháp lý đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro pháp lý, gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top