Chủ động phòng trừ sinh vật gây hại lúa mùa

08:08 - Thứ Hai, 30/08/2021 Lượt xem: 3385 In bài viết

ĐBP - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh thời tiết âm u, có lúc nắng gắt xen kẽ mưa rải rác, độ ẩm cao... là điều kiện thuận lợi để các loại sâu, dịch bệnh gây hại lúa mùa, đe dọa đến tình hình sinh trưởng, năng suất lúa của người dân.

Nông dân xã Thanh Xương phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa mùa.

Trên cánh đồng đội 6, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) bà Đặng Thu Yên đang tất bật kiểm tra mực nước ở ruộng, các khóm lúa để kịp thời phát hiện dấu hiệu khác lạ trên cây lúa, đồng thời kiểm tra những vết bệnh cũ. Mặc dù thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi diễn biến sinh vật gây hại trên lúa song do thời tiết những ngày qua phức tạp nên bà Yên phải phun thuốc lặp lại 2 - 3 lần cùng với một loại bệnh.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, thời tiết se lạnh về đêm và sáng sớm, ngày nắng nóng xen kẽ các trận mưa vừa đến mưa to, thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Đồng thời cũng là điều kiện cho một số đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng. Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chuyên môn huyện, trên lúa mùa chính vụ có 55,5ha bị nhiễm các đối tượng gây hại như: Tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, ruồi đục lá, đạo ôn lá, bệnh khô vằn gây hại rải rác tại cánh đồng thị trấn Tủa Chùa, các xã: Mường Báng, Mường Đun... Trên trà lúa mùa muộn chủ yếu là các đối tượng tập đoàn rầy, ruồi đục lá, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ gây hại nhẹ tại cánh đồng xã Tả Phìn, Xá Nhè, Sính Phình. Còn trên 1.784ha lúa nương, hiện cây lúa đang trong giai đoạn trỗ bông; sinh trưởng và phát triển bình thường. Để chủ động quản lý sinh vật gây hại, đảm bảo mức gây hại thấp nhất cho cây trồng vụ mùa 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa đề nghị UBND các xã, thị trấn, các phòng ban, đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại lúa vụ mùa 2021.

Ông Mào Văn Bổn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết: Tình hình sinh vật gây hại đang có diễn biến phức tạp so với quy luật hàng năm, một số loại sâu, bệnh đang phát sinh sớm và tăng nhanh về phạm vi và mức độ gây hại. Trung tâm đề nghị UBND các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh như: Sử dụng đúng loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; khi ruộng bị sâu bệnh thì phải ngưng bón phân đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không để ruộng bị khô nước; không được tự ý tăng, giảm liều lượng của thuốc; trước khi phun xem kỹ hướng dẫn trên bao bì thuốc của nhà sản xuất.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, từ đầu vụ đến nay, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại là 5.246,6ha (giảm 332,5ha so với kỳ trước). Trong đó, diện tích nhiễm chủ yếu trên cây lúa với tổng 4.635,3ha; trong đó, diện tích đã phòng trừ  2.680ha. Trên các trà lúa xuất hiện một số sâu bệnh hại như: Đạo ôn (diện tích nhiễm 710ha); bạc lá (diện tích nhiễm 1.083,2ha); tập đoàn rầy (diện tích nhiễm 586ha); sâu cuốn lá nhỏ (diện tích nhiễm 143,5ha); 1.211,1ha diện tích lúa nhiễm bệnh khô vằn… Ngoài ra, đốm nâu, sâu cắn gié, sâu đục thân, bọ xít hôi dài... đã và đang gây hại cho lúa.

Bà Phạm Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: Dự báo thời gian tới, tình hình bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, rầy... sẽ tiếp tục gây hại trên lúa tập trung tại địa bàn các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... Đối với sâu bệnh gây hại trên cây ngô thì sâu keo mùa thu tiếp tục mở rộng phạm vi gây hại trên những diện tích chưa thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, diện tích phòng trừ chưa hiệu quả ở các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên Đông... Để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng từ nay đến cuối vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật đề nghị trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn giám sát chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại; kịp thời tham mưu với chính quyền địa phương biện pháp quản lý phù hợp. Trong đó, tập trung quản lý tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn... Phát hiện, theo dõi diễn biến sâu keo mùa thu trên những diện tích ngô gieo muộn là những khu vực có nguy cơ cao, tránh để sinh vật gây hại phát tán lây lan trên diện rộng...

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top