Thanh Đông sẵn sàng bàn giao mặt bằng dự án sân bay

17:04 - Thứ Hai, 06/09/2021 Lượt xem: 3908 In bài viết

ĐBP - Những ngày này, người dân cụm Thanh Đông, tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ đang tất bật đóng gói đồ đạc, tháo dỡ nhà cửa, di chuyển tài sản để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đây là khu vực thuộc diện thu hồi đất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho dự án và mong muốn việc triển khai bồi thường, giao đất tái định cư diễn ra nhanh chóng để sớm ổn định cuộc sống.

Vợ chồng ông Trần Gia Vinh đóng gói, di chuyển một số đồ đạc đi gửi nhờ nhà người thân quen.

Ngày 30/8, gia đình ông Hà Xuân Cư, cụm dân cư Thanh Đông bắt đầu di chuyển một số bàn ghế, đồ dùng không cần thiết đến gửi nhờ nhà người thân và thuê người tháo dỡ mái tôn xung quanh nhà. Ngôi nhà xây kiên cố 3 tầng của gia đình ông hoàn thiện năm 2016 vẫn còn tươi màu sơn. Nhưng vì dự án lớn của tỉnh, ông đã ký hợp đồng bán “xác nhà” với giá vô cùng thấp. Mặc dù không khỏi tiếc nuối nhưng ông Cư chia sẻ: “Tôi rất đồng tình, ủng hộ dự án, mong Nhà nước làm nhanh sân bay để người dân được hưởng thụ đi lại, tỉnh mở mang phát triển. Vì vậy dù chưa được chi trả hết tiền ruộng, chưa có khái toán đền bù về nhà cửa, đất đai và tài sản trên đất nhưng để đảm bảo tiến độ, gia đình tôi đã chủ động tháo dỡ dần để khi có khái toán đền bù, nhận đủ tiền và đất tái định cư (TĐC) sẽ bàn giao mặt bằng luôn”.

Ông Hà Xuân Cư là cựu chiến binh nhiều năm tuổi Đảng, cán bộ nghỉ hưu và đảm nhiệm Bí thư Chi bộ thôn nhiều nhiệm kỳ (khi Thanh Đông còn chưa sáp nhập vào thành phố). Ông không chỉ gương mẫu đi đầu di dời tài sản mà còn vận động được hơn 30 hộ dân trong cụm đăng ký bàn giao mặt bằng, đến nơi TĐC trong đợt đầu tiên. Các hộ đều ký vào danh sách đăng ký đi đợt đầu và biên bản thống nhất giữa hộ có đất thu hồi với chính quyền địa phương. Trong số đó có gia đình ông Trần Gia Vinh đã gắn bó với nơi này 55 năm, từ khi lên khai hoang vùng kinh tế mới. Ông Vinh có 334m2 đất hiện đang sinh sống nằm trong khu vực thu hồi. Mọi tài sản trong nhà ông đã được tháo dỡ, đóng thùng, bọc kín. Ông Vinh cho biết: “Tôi di chuyển thóc đi gửi đầu tiên, sau đó bát đĩa, ti vi, bàn ghế, đồ dùng… Tôi đăng ký đi đợt đầu vì mong muốn được ưu tiên, đáp ứng nguyện vọng suất TĐC cho 2 bố con tôi ở cạnh nhau, để vợ chồng tôi còn có người đỡ đần lúc ốm đau, già yếu. Cả nhà tôi và con tôi đều đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng, xác định lên nơi ở mới, 1 nhà xây luôn, 1 nhà dựng lán tại suất đất còn lại để ở tạm và trông coi công trình”.

Trong ngôi nhà của gia đình ông Trần Đại Lương, hàng xóm của ông Vinh và ông Cư cũng đã trống trải. Gia đình ông đã đi thuê phòng tạm, chờ nhận tiền đền bù là di dời hoàn toàn. Ông xác định chỉ mang theo những đồ dùng cần thiết như giường, tủ lạnh, máy giặt, bát đũa… bởi nơi thuê chật hẹp. Một số đồ được ông bán đi, còn lại gửi nhờ, đợi có nhà mới sẽ chuyển về. Ông Lương chia sẻ: Tôi có 3 bố con, ở 3 nhà liền kề. Bây giờ phải bàn giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án, chúng tôi động viên nhau cùng đăng ký đi đợt đầu để có thể được bố trí TĐC theo nguyện vọng. Giờ gia đình di chuyển tài sản gần hết rồi, thuê 3 phòng trọ cùng dãy, gần nơi TĐC, đợi nhận tiền đền bù là chuyển đến. Trong nhà chẳng còn đồ đạc gì, chỉ có thể ở thêm ít ngày, mong thành phố sớm hoàn thành các bước khái toán, chi trả để chúng tôi bàn giao mặt bằng.

Về phía chính quyền TP. Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Khu vực Thanh Đông còn khó do liên quan đến xác minh nguồn gốc đất. Thành phố đã tập trung nhân lực đến xác minh, làm rõ. Anh em đang làm việc 3 ca/ngày, không có ngày nghỉ, sáng đi tiếp xúc người dân, lắng nghe ý kiến phản hồi, trưa về tổng hợp, tối lên phương án. Dự kiến đến ngày 15/9 lên xong khái toán, từ ngày 15 - 25/9 phê duyệt toàn bộ phương án bồi thường và chi trả cho các hộ dân để bà con yên tâm di chuyển. Đảm bảo đến ngày 5/10 tổ chức cho các hộ dân bốc thăm ô đất TĐC”.

Gia đình ông Hà Xuân Cư ký hợp đồng bán “xác nhà” cho đơn vị thu mua.

Nói về nguyện vọng được ở gần nhau của các hộ dân có quan hệ huyết thống và hàng xóm láng giềng thân thiết hàng chục năm, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm: Đó là nguyện vọng chính đáng của người dân nhưng việc bốc thăm đất theo quy định phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ. Đối với các hộ dân đăng ký đi đợt đầu là hàng xóm, gia đình xin ở theo lô, thửa gần nhau, thành phố đang tổng hợp những ý kiến đó, khoanh lại 1 khu, xin ý kiến rộng rãi các hộ dân sẽ TĐC tại khu vực này và chính những hộ ưu tiên đó. Người dân nhất trí thì thành phố sẽ hết sức tạo điều kiện để đáp ứng nguyện vọng. Qua nắm thông tin cơ sở, đến nay đã có trên 75% hộ dân đồng thuận phương án này”.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án và người dân sớm ổn định cuộc sống, trong biên bản thống nhất giữa các bên, UBND TP. Điện Biên Phủ cũng cam kết: Sau khi các hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, UBND thành phố bàn giao đất ngoài thực địa cho người dân sau 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng cho các hộ gia đình trong thời gian 5 ngày. Ngoài ra, thành phố lập phương án hỗ trợ khác cho các hộ gia đình khi bàn giao mặt bằng sớm, bao gồm: Hỗ trợ nơi ở tạm, hỗ trợ khuyến khích di chuyển theo tiến độ…

Đối với những hộ gia đình không phải hộ nghèo nhưng thực sự khó khăn, chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách, neo đơn đang được thành phố tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến tỉnh xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ cho từng trường hợp.

Tại cụm dân cư Thanh Đông những ngày này, người đóng gói đồ, người bê vác, xe chở hàng ra vào, cả những người thu mua phế liệu, dịch vụ tháo dỡ, mua “xác nhà”… đi lại hối hả. Bà con Thanh Đông đã sẵn sàng di chuyển, nhường đất cho Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Điện Biên. Người dân tin tưởng và kỳ vọng vào lời hứa, cam kết của thành phố, mong sớm được bố trí nơi ở mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top