Lợi ích từ sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết

08:08 - Thứ Sáu, 24/09/2021 Lượt xem: 4134 In bài viết

ĐBP - Nhằm từng bước chuyển giao, mở rộng phương thức canh tác lúa theo hướng hữu cơ, thay đổi thói quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, vụ mùa năm 2021 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Tổng kết mô hình cho thấy không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn đạt hiệu quả về mặt xã hội, môi trường.

Cán bộ Chi cục BVTV và người dân tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết.

Mô hình được thực hiện với quy mô 12ha trên địa bàn xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) với 59 hộ dân tham gia. Các giống lúa chính được triển khai tại mô hình là: Sơn Lâm 1, Séng Cù và ST25. Đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm là Công ty Cổ phần thực phẩm Safelife. Tham gia mô hình, người dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kiểm tra về tình hình sinh trưởng, phát triển cây lúa, sinh vật gây hại và thống nhất thời gian, biện pháp kỹ thuật tác động; đánh giá hiệu quả các biện pháp để điều chỉnh cho phù hợp. Công ty Cổ phần thực phẩm Safelife phối hợp với Chi cục BVTV hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật, xử lý các vấn đề phát sinh và bao tiêu sản phẩm.

Theo đó, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu của Mỹ (do Công ty Cổ phần thực phẩm Safelife cung cấp) và phân bón Sumagrow. Về biện pháp canh tác, 100% diện tích mô hình được xử lý rơm rạ đầu vụ bằng chế phẩm sinh học, giúp rơm rạ phân hủy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa phát triển tốt, hạn chế tình trạng nghẹt rễ, góp phần cải tạo đất. Xử lý bằng chế phẩm sinh học, sau 15 ngày rơm rạ được phân hủy trên 80%, đất mềm và thoáng hơn so với ruộng không xử lý. Để xử lý hạt giống, việc ngâm thóc giống cùng phân bón Sumagrow có một số tác dụng kích thích hạt giống nảy mầm nhanh, mập và đều hơn, ngoài ra rút ngắn thời gian ủ, quá trình ngâm không cần thay nước mà vẫn đảm bảo không bị chua do phân bón có khả năng cân bằng PH tốt…

Ông Đoàn Văn Viện, đội Thanh Hà, xã Thanh Chăn là một trong những người tham gia mô hình cho biết: Điểm khác biệt của mô hình này so với việc canh tác truyền thống là sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Số lượng giống đầu vào ít hơn so với ngoài mô hình trên cùng một đơn vị diện tích; trong quá trình sản xuất không phải sử dụng đạm urê, không cần sử dụng vôi bột. So với diện tích lúa người dân canh tác theo lối thông thường thì cây lúa trong mô hình khỏe mạnh, ít sâu bệnh và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh, lượng phân bón vô cơ trong mô hình giảm 20%, tăng tỷ lệ áp dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn lên đến 60 - 80% trong khi không phát sinh chi phí lớn, đồng thời vẫn đảm bảo năng suất so với canh tác truyền thống. Tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa so với cây lúa ngoài mô hình một số chỉ tiêu tương đương (chiều cao cây, số dảnh hữu hiệu, chiều dài bông lúa…) nhưng số hạt chắc trên bông và trọng lượng hạt cao hơn so với lúa ngoài mô hình. Áp dụng quy trình kỹ thuật giúp cây sinh trưởng phát triển khỏe, hạn chế các đối tượng sinh vật gây hại mẫn cảm với điều kiện chăm sóc như bạc lá, đạo ôn, khô vằn; ngoài ra hạn chế việc phối trộn nhiều loại thuốc trong 1 lần phun. Năng suất mô hình ước tính đạt 70 tạ/ha, tương đương so với ngoài mô hình, nhưng canh tác theo hướng sử dụng chế phẩm sinh học góp phần nâng cao sức đề kháng cây lúa, giúp hạn chế sâu bệnh hại đồng thời bảo vệ môi trường, góp phần duy trì sản xuất bền vững. Theo tính toán, 1ha lúa Sơn Lâm 1 thực hiện theo mô hình với năng suất 70 tạ/ha thì sau khi trừ chi phí còn gần 12,6 triệu đồng. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ tạo sản phẩm sạch giúp thu hút các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Công ty Cổ phần thực phẩm Safelife đã thỏa thuận liên kết, bao tiêu sản phẩm lúa Séng Cù và ST25 với giá bằng hoặc hơn giá thị trường.

Thông qua mô hình đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học để cải tạo đất, cân bằng pH cho đất về mức thuận lợi nhất cho sự phát triển của cây lúa. Mô hình sử dụng những loại thuốc có độ an toàn cao góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, giảm 3 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, thiên địch phong phú, đa dạng, bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất và cộng đồng.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top