Sớm khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản

08:11 - Thứ Hai, 18/10/2021 Lượt xem: 3465 In bài viết

ĐBP - Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thời gian qua. Các cấp, ngành, chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Pồ được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Qua rà soát, thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, tổng số nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh (theo Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công) tính đến hết tháng 5/2015 là 754,619 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch năm 2015 đã bố trí thanh toán để trả nợ đọng là 379,490 tỷ đồng; đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020 để thanh toán nợ 375,129 tỷ đồng. Tuy nhiên đến kế hoạch năm 2017 đã bố trí thanh toán hết số nợ đọng theo quy định. Hiện nay, tổng số nợ đọng XDCB đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh hơn 44,322 tỷ đồng; trong đó nợ nguồn ngân sách cấp tỉnh quản lý hơn 39,579 tỷ đồng và nợ nguồn ngân sách cấp huyện quản lý hơn 4,743 tỷ đồng.

Trên địa bàn huyện Mường Nhé, nợ đọng XDCB đến hết năm 2020 là 2,041 tỷ đồng. Trong đó có 2 công trình hoàn thành đã duyệt quyết toán với số tiền 1,239 tỷ đồng là: Công trình đường trung tâm xã Na Cô Sa - Huổi Thủng 3, huyện Mường Nhé (nay huyện Nậm Pồ), thời gian khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2013 với tổng mức đầu tư 11,7 tỷ đồng. Nợ đọng phát sinh trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 288 triệu đồng. Công trình sân vận động huyện Mường Nhé khởi công năm 2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018 với tổng mức đầu tư 17,8 tỷ đồng; hiện nay đang nợ đọng 952 triệu đồng. Một công trình khác đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán 802 triệu đồng là công trình cầu bản Nà Pán, xã Mường Nhé, với tổng mức đầu tư 22,589 tỷ đồng; thời gian khởi công từ năm 2012 và đưa vào sử dụng năm 2014.

Ông Nguyễn Khánh Đạt, Trưởng phòng Tài Chính - Kế hoạch huyện Mường Nhé cho biết: Nguyên nhân nợ đọng là các dự án này không phải do nguồn vốn ngân sách của huyện mà đều là nguồn vốn của tỉnh, do tỉnh bố trí vốn. Do đó huyện không thể xử lý được và chỉ có thể đề nghị tỉnh bố trí vốn để hoàn trả nhưng đến nay chưa được tỉnh bố trí đủ vốn để thanh toán.

Tương tự, tại huyện Nậm Pồ, tổng số nợ đọng XDCB là 1,596 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, dự án nợ đọng giai đoạn 2013 - 2015 chuyển sang. Tuy nhiên, quá trình thực hiện một số dự án thuộc nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý chưa được tỉnh phân bổ đủ kế hoạch vốn, dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài sang giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện được tỉnh giao triển khai thực hiện 21 dự án thuộc đề án kiên cố hóa trường, lớp học sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư 111,525 tỷ đồng. Đến hết năm 2020, các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; kinh phí đã phân bổ cho các dự án 107,498 tỷ đồng. Số còn lại chưa được phân bổ để thanh toán nợ đọng.

Theo ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc  Sở Kế hoạch - Đầu tư, thì nguyên nhân phát sinh nợ đọng XDCB là do nguồn vốn bố trí, phân bổ cho một số chương trình, dự án chưa đảm bảo theo nhu cầu sử dụng hàng năm; trong khi các dự án vẫn phải hoàn thành theo đúng tiến độ hợp đồng. Một số công trình sau khi quyết toán mới được xác định giá trị tài sản, xác định chính xác khối lượng còn lại chưa thanh toán và thời điểm quyết toán là sau khi thực hiện giao kế hoạch vốn, do đó phát sinh nợ đọng các dự án sau quyết toán. Bên cạnh đó, đối với số nợ ngân sách cấp huyện, xã do nhu cầu đầu tư lớn trong khi ngân sách huyện, xã hạn chế, chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất và nguồn hỗ trợ của tỉnh. Cùng với đó, cấp huyện, xã còn phê duyệt và thực hiện đầu tư nhiều dự án, dẫn đến không đảm bảo ưu tiên các nguồn lực để thanh toán số nợ cũ, đồng thời phát sinh thêm nợ mới.

Để xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB, bên cạnh việc huy động và tạo nguồn vốn đầu tư để thanh toán khối lượng, ưu tiên nguồn vốn để trả nợ cho các công trình, dự án theo thứ tự ưu tiên trả nợ đã quy định thì các địa phương, chủ đầu tư cần đầu tư dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo thi công dự án đúng tiến độ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, để hạn chế tình trạng nợ đọng XDCB cần thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nguyên tắc: Bảo đảm tương quan hợp lý về cơ cấu phân bổ vốn đầu tư giữa các huyện, thị xã, thành phố, giữa các ngành, lĩnh vực do cơ quan cấp tỉnh quản lý. Tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT - XH của tỉnh. Dành dự phòng 10% trong tổng mức vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý các vấn đề cấp bách, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top