Huyện Điện Biên phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách

08:16 - Thứ Hai, 18/10/2021 Lượt xem: 2675 In bài viết

ĐBP - Trong những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Điện Biên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Qua đó góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Hộ nghèo xã Noong Luống (huyện Điện Biên) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi bò.

Với mục tiêu không để dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác phục vụ khách hàng, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, thông suốt, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tập trung giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đầu năm đến ngày 11/10, tổng doanh số cho vay đạt hơn 130,5 tỷ đồng, với 2.809 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến nay tổng dư nợ đạt hơn 535 tỷ đồng, với 13.611 khách hàng dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò xã Hua Thanh do Hội LHPN xã quản lý; mô hình trồng cây ăn quả xã Thanh Yên do Đoàn Thanh niên xã quản lý; mô hình trồng rau sạch ở xã Noong Luống… Đồng thời, nhiều gia đình đã sử dụng và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như mô hình trồng ổi, nuôi gà của gia đình anh Đinh Công Lượng, ở thôn Tiến Thanh, xã Thanh Yên. Năm 2020 gia đình anh vay 36 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua chương trình cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để phát triển kinh tế. Cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình, anh Lượng đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cây kém năng suất sang trồng 700 cây ổi lê Đài Loan, nuôi gà thương phẩm. Năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi gia đình anh đã đạt thu nhập trên 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng triển khai 14 chương trình cho vay vốn (hiện nay 4 chương trình đã dừng cho vay) thông qua 4 đơn vị ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Trong đó tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm (chiếm 85% tín dụng cho vay). Công tác bình xét hộ vay vốn được các tổ tiết kiệm vay vốn thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ; hầu hết hộ vay vốn đã sử dụng đúng mục đích vốn vay, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả tại các vùng nông thôn, đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung rà soát các khoản nợ đến hạn để xử lý kịp thời theo quy định; phân tích nguyên nhân các khoản nợ xấu để có các biện pháp thu hồi, giảm và khống chế tỷ lệ nợ quá hạn mức thấp nhất. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội các cấp theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top