Giảm chi phí chăn nuôi nhờ tự sản xuất thức ăn

16:07 - Thứ Sáu, 22/10/2021 Lượt xem: 3306 In bài viết

ĐBP - Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, đồng thời tháo gỡ khó khăn và áp lực khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu năm 2021, gia đình anh Lường Văn Hiến, bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ đã áp dụng giải pháp tự sản xuất thức ăn cho đàn vật nuôi.

Anh Hiến sử dụng máy ép cám viên để sản xuất thức ăn cho đàn vật nuôi của gia đình.

Theo anh Hiến, giải pháp này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực khi giúp gia đình anh chủ động được các thành phần dinh dưỡng cung cấp cho đàn vật nuôi; tiết kiệm được 30 – 40% chi phí chăn nuôi; tận dụng tối đa được những nguyên liệu phụ phẩm có sẵn tại gia đình, địa phương, đồng thời tiết kiệm tối đa thời gian và công sức so với cách cho ăn truyền thống.

Chăn nuôi mỗi lứa từ 35 – 40 con lợn, 100 – 150 con gia cầm và nuôi thả các loại cá, tính bình quân mỗi ngày gia đình anh Hiến phải chi hết khoảng gần 1 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn vật nuôi. Đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến gia đình anh Hiến gặp nhiều khó khăn. Để giảm bớt áp lực về chi phí thức ăn chăn nuôi, anh Hiến đã học hỏi công thức, kỹ thuật phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi từ các hộ chăn nuôi khác; đồng thời, đầu tư hơn 9 triệu đồng mua máy ép cám viên về tự sản xuất thức ăn cho đàn vật nuôi.

Anh Hiến chia sẻ: Một trong những ưu điểm nổi bật của việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà đó là tận dụng được các nguyên liệu có sẵn tại địa phương, như: ngô, cám gạo, đậu tương, rau xanh. Rau chủ yếu là thân lá ngô, rau lấp, rau khoai lang. Hơn nữa, kỹ thuật sử dụng máy để sản xuất cám viên rất đơn giản. Chỉ cần cắt nhỏ các nguyên liệu rồi cho vào phễu đựng là máy sẽ tự động nghiền và viên thành từng viên cám, rồi đưa ra máng xả nguyên liệu. Viên cám sau khi ép xong sẽ có độ nóng từ 40 – 600C đủ nhiệt độ để vật nuôi có thể ăn được ngay mà không cần mất thêm công đoạn sấy hay nấu chín. Trước khi ép và sau khi ép viên cám đều có độ ẩm từ 15 – 20%, vì vậy đối với đàn gia cầm hoặc các loại cá có thể cho ăn trực tiếp, riêng đối với đàn lợn trước khi cho ăn phải ngâm vào nước từ 20 – 30 phút để các viên cám nở ra.

Theo tính toán của anh Hiến, giá cám viên tự làm thường dao động từ 5.000 - 8.000 nghìn đồng/kg, thấp hơn từ 3.000 - 5.000 nghìn đồng/kg so với cám công nghiệp. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thức ăn, một tháng gia đình anh cũng tiết kiệm được từ 9 -10 triệu đồng. Hơn nữa, việc áp dụng máy móc để tự sản xuất cám viên còn giúp người nông dân chủ động và linh hoạt thay đổi chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm theo từng giai đoạn phát triển.

Có thể nói, việc tự sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương là một hướng đi hiệu quả, không chỉ đẩy mạnh việc áp dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực chăn nuôi mà còn giúp người nông dân có thể duy trì và phát triển chăn nuôi trong điều kiện chăn nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Hy vọng mô hình này sẽ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, giúp người chăn nuôi giảm bớt chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top