Củ đậu rớt giá, khó tiêu thụ

10:59 - Thứ Hai, 15/11/2021 Lượt xem: 4089 In bài viết

ĐBP - Những ngày này trên cánh đồng Pa Pháy, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên), nông dân nhộn nhịp thu hoạch củ đậu. Mừng vì củ đậu được mùa nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi giá bán rất thấp mà củ đậu vẫn khó tiêu thụ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Không có tư thương thu mua, người dân dỡ củ đậu bày bán ngay ven đường ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Nhanh tay phân loại củ đậu mới đào từ bãi màu ven sông, chị Quàng Thị Uôn, bản Pa Pháy cho biết: Khác hẳn những năm trước, vào vụ thu hoạch tư thương từ Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ tới tận bãi thu mua số lượng lớn, thậm chí để kịp chuyến giao hàng về xuôi họ còn xuống bãi cùng chúng tôi dỡ dây, đào củ. Năm nay vụ thu hoạch củ đậu đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên không thấy tư thương tới thu mua dù giá bán thấp.

Mùa thu hoạch củ đậu đã được gần 1 tháng nhưng không thấy tư thương tới mua nên gia đình chị Uôn và các hộ khác đã làm lều ven đường bán lẻ nhưng cũng chẳng bán được là bao. Chị Uôn cho biết: Gần 6.000m2 trồng củ đậu vụ này vừa là đất của gia đình vừa là đất thuê. Mỗi năm phải trả 1,5 tạ ngô hạt/1.000m2 cho chủ đất nhưng năm nay củ đậu rất khó tiêu thụ, giá bán thấp từ 2.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại) thay vì 10.000 - 15.000 đồng/kg như những năm trước, nên trừ chi phí còn lại chẳng đáng bao.

Theo lời chị Uôn, nhiều năm trước vùng bãi màu ở Pa Pháy chỉ trồng mía và ngô nhưng nhận thấy củ đậu dễ trồng, năng suất cao, dễ tiêu thụ nên gần như toàn bộ diện tích này được người dân chuyển sang trồng củ đậu. Thời gian trồng tương đối ngắn (khoảng 4 tháng) đã cho thu hoạch lại khá dễ chăm sóc nên ngày càng nhiều hộ chuyển sang trồng củ đậu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên vụ này giá củ đậu bán dù rất thấp nhưng người mua không đáng kể. Thay vì dỡ hàng loạt bán đổ như mọi năm, gia đình chị Uôn dỡ dây đào củ cầm chừng. Nhưng với lượng tiêu thụ ế ẩm như hiện nay với khoảng 30 tấn củ đậu vụ này gia đình chị Uôn chưa biết bán tới khi nào mới hết mà không thể để củ đậu quá lứa không thu hoạch.

Cách không xa lều của chị Uôn là lều nhỏ mới dựng ven đường của chị Lò Thị Hoa, bản Hồng Sọt, xã Pom Lót. Chị Hoa bảo, chồng chị đau yếu không làm được việc nặng, các con còn nhỏ nên cách đây hơn 3 năm, chị từ Pom Lót lên Thanh Yên thuê đất trồng củ đậu bán. Làm lụng chăm chỉ, mỗi năm trả tiền thuê đất 2 triệu đồng/1.000m2 cũng dành dụm được chút ít trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học. Gần tháng nay chị thu hoạch củ đậu nhưng tư thương không tới bãi thu mua mà củ đậu để quá lứa sẽ bấc, hỏng nên gia đình đành bán lẻ ngay ven đường. Ngày nào bán nhiều được khoảng dăm bảy mươi cân chứ ngày ít người qua lại bán chỉ được vài ba mươi cân. Do nhà ở xa nơi thuê đất, trên địa bàn xã lại đang có dịch Covid-19 nên chị Hoa hạn chế đi về. Ra khỏi nhà từ sáng sớm tới tối mịt mới về, chị đùm cơm nắm ăn trưa tại lều để bớt khoản phải chi tiêu. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch chị Hoa luôn đeo khẩu trang và thông báo với Trưởng bản thông tin đi làm hàng ngày của mình. “Con cái đi học trăm khoản phải đóng góp, lại còn trả tiền thuê đất, công trồng, chăm sóc nên không thể bỏ củ đậu tới vụ không thu, không bán dù giá thấp” - chị Hoa thở dài.

Theo những hộ trồng củ đậu lâu năm ở huyện Điện Biên, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nhiều diện tích trồng mía, ngô không hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng củ đậu, nhất là những bãi ven sông vùng lòng chảo; đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên củ đậu cũng là một trong số nông sản khó tiêu thụ, rớt giá, người nông dân càng thêm vất vả. Trong khi đó, củ đậu thời gian bảo quản ngắn mà không thể để quá lứa vì sẽ nhạt, bấc, không đảm bảo chất lượng. Bán lẻ ngay ven đường là việc làm cực chẳng đã bởi lượng tiêu thụ không nhiều trong khi sản lượng củ đậu thì quá lớn.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận
Back To Top