Sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới

08:18 - Thứ Tư, 17/11/2021 Lượt xem: 4935 In bài viết

ĐBP - Phục hồi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo linh hoạt, an toàn, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản... trong tình hình dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian qua. Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp lượng thực, thực phẩm trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên làm đất, chuẩn bị cho vụ đông xuân 2021 - 2022.

Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết; ảnh hưởng của dịch Covid-19 song vẫn đạt kết quả tốt; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực 9 tháng năm 2021 ước đạt 132.066 tấn, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với cây công nghiệp dài ngày (cà phê, cao su, chè, mắc ca), năng suất, sản lượng đều tăng. Riêng cây mắc ca đến nay đã trồng được 3.112ha; một số diện tích đã cho thu hoạch quả. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản dù bị tác động không nhỏ bởi dịch tả lợn châu Phi tái phát và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn đạt kế hoạch đề ra: 520.375 con trâu, bò, lợn (đạt 94,86% kế hoạch); hơn 4,5 triệu con gia cầm (đạt 96,6% kế hoạch, tăng 1,88% so với năm trước); diện tích nuôi thủy sản 2.660ha (đạt 100,92% kế hoạch).

Ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu “dài hơi” giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, thực hiện dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với tổng diện tích 174,9ha tại huyện Điện Biên. Duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy các hoạt động kết nối, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường, đến nay đã có 21 chuỗi được xác nhận, tăng 3 chuỗi so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được cấp chủ trương đầu tư, 1 dự án được cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hiện nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo đó thời gian tới các địa phương cần xây dựng cụ thể kế hoạch sản xuất và thu hoạch phù hợp; hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh trong tình hình mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo thời vụ sản xuất và ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, hạn chế tối đa thiệt hại. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng; phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đồng thời tăng cường công tác dự báo và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 đảm bảo cơ cấu giống, thời vụ; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về diện tích, sản lượng các loại cây trồng năm 2022. Thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư; thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất. Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời có phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top