Rào cản phát triển thương mại điện tử

09:01 - Thứ Năm, 18/11/2021 Lượt xem: 7291 In bài viết

ĐBP - Hạ tầng thương mại điện tử (TMĐT) chưa phát triển, doanh nghiệp (DN) còn khó khăn về tài chính nên nguồn nhân lực và năng lực ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế; điều kiện và năng lực tiếp cận TMĐT của người dân khu vực vùng sâu, vùng xa còn thấp… là hàng loạt những rào cản trong kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, dù đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, song TMĐT vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ không chỉ riêng các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh mà với hầu hết người dân Điện Biên.

Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm đông trùng hạ thảo trên website của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ.

Được hỗ trợ xây dựng website TMĐT từ năm 2019, song đến nay số lượng đơn hàng đặt qua website của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ, trụ sở tại tổ dân phố 14, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ vẫn còn rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Hữu Nhẹ, Giám đốc Công ty chia sẻ: Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Công ty là đông trùng hạ thảo tươi, khô, các sản phẩm từ đông trùng. Vì kinh doanh ở quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp nên việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng TMĐT của đơn vị còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán, đánh lừa người tiêu dùng ngay trên các sàn TMĐT hoặc website mua bán trực tuyến khá phổ biến, làm cho thị trường TMĐT bị méo mó, mất niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, hoạt động TMĐT của Công ty chủ yếu là báo giá, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả. Phần lớn khách hàng vẫn đến tận nơi mua sản phẩm do chưa thật sự tin tưởng vào website bán hàng của Công ty.  

Còn tại Công ty Cổ phần cà phê Hồng Kỳ quốc tế, đơn vị chuyên chế biến, sản xuất cà phê nguyên hạt, cà phê bột có trụ sở tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, dù đã được hỗ trợ xây dựng website TMĐT với tên miền http://cafetaybac.vn, song đến nay cũng chưa có đơn hàng nào được bán qua trang TMĐT này. Ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Hồng Kỳ quốc tế cho biết: Trước hết là do website mới được xây dựng khoảng 3 tháng nên chưa thể đánh giá hiệu quả hoạt động. Hiện tại, trên website của đơn vị chủ yếu phát huy vai trò cung cấp thông tin chính thống và đầy đủ về nguồn gốc của sản phẩm. Tuy nhiên, bước đầu triển khai, đơn vị cũng gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn am hiểu về TMĐT, ngoài ra cũng phải thừa nhận vẫn còn tình trạng khách hàng e ngại khi sử dụng phương thức giao dịch trên mạng. Nếu doanh nghiệp không làm bài bản, đầu tư công phu về nội dung, phù hợp với người dùng thì rất khó cạnh tranh.

Để phát triển TMĐT, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, như: cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng TMĐT; cung cấp các dịch vụ công và phát triển các ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ về TMĐT. Trong đó, tập trung hỗ trợ thiết kế xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình sản xuất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo tập huấn về TMĐT... Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 10 website TMĐT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; triển khai hỗ trợ 3 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phần mềm chuyên dụng hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống Omni-Channel Marketing bao gồm: 5 website, hệ thống email, 5 fanpage trên facebook... Đồng thời, tổ chức 4 lớp đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho khoảng 230 học viên là cán bộ, viên chức, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…

Nhân viên Công ty Cổ phần cà phê Hồng Kỳ quốc tế đóng gói sản phẩm tại xưởng sản xuất.

Tính đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 26 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT được tiếp nhận và chấp thuận thông báo đăng ký hoạt động dưới sự quản lý của ngành Công thương. Không thể phủ nhận phát triển TMĐT chính  là công cụ để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công, hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, củng cố quan hệ khách hàng và kịp thời cập nhật các thông tin, sản phẩm mới... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tần suất và mức độ cập nhật thông tin trên website của doanh nghiệp còn thấp, việc ứng dụng TMĐT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương phân tích, trước hết, do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là nhỏ và vừa, thiếu vốn đầu tư hoạt động TMĐT dẫn đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để ứng dụng TMĐT tại đơn vị còn thiếu và yếu, chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển. Một số đơn vị đã xây dựng website rồi thì chưa phát huy tác dụng, phần lớn chỉ để quảng bá sản phẩm, trong khi hoạt động bán hàng trực tuyến, nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT còn hạn chế. Hơn nữa, điều kiện và năng lực tiếp cận TMĐT của người dân khu vực vùng sâu, vùng xa còn thấp cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.  

Trước những khó khăn trên, để phát triển TMĐT trong thời gian tới, Sở Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử, xây dựng website, phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng việc kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan, chuyển tiền qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến và các giao dịch TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, nhằm giúp các doanh nghiệp bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm, sức cạnh tranh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top