Hướng tới giảm khai thác cát tự nhiên

06:22 - Thứ Sáu, 25/02/2022 Lượt xem: 5192 In bài viết

ĐBP - Cát là vật liệu không thể thiếu trong các công trình xây dựng nhưng cát tự nhiên không phải là tài nguyên vô tận. Nhất là khi khai thác cát vượt mức sẽ dẫn đến những hậu quả như: Làm tụt đáy sông, xói lở bờ sông suối; lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán và nhiều bất lợi khác cho đời sống con người.

Một điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Điện Biên.

Tỉnh ta có điều kiện địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh; hệ thống sông và nhánh sông, suối dày đặc; cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh không hình thành mỏ mà chủ yếu tập trung khi mùa mưa lũ kéo về, tích tụ tại các lòng sông, suối, do đó trữ lượng ít. Hiện nay, do đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ nên cát trồi sau khi mưa lũ xuất hiện sẽ tích tụ lại các lòng hồ thủy điện, cát ở một số sông và nhánh sông, suối giảm dần, cộng với sự biến đổi về môi trường, khí hậu… cát cũng giảm.

Trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị (Công ty TNHH số 32, Công ty TNHH Lâm Mỹ, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Dũng, Công ty Cổ phần Thịnh Vượng) tham gia hoạt động khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp phép, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Điện Biên. Tổng công suất khai thác cát tự nhiên được cấp phép là 46.263m3/năm. Trong khi đó tổng nhu cầu cát tự nhiên cần khoảng 300.000m3/năm. Như vậy nguồn cát hợp pháp được cấp phép mới chỉ đáp ứng được khoảng 15,42%, khối lượng còn lại chủ yếu là từ khai thác trái phép. Theo nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, ngoài tình trạng sạt lở mất đất sản xuất của người dân, việc bị thay đổi dòng chảy do khai thác cát sỏi quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở dẫn tới những hệ lụy khôn lường cả về xã hội và kinh tế.

Để khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép, đáp ứng nhu cầu về cát xây dựng, ngoài tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, tăng xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân khai thác cát tự nhiên trái phép, thì việc sử dụng cát nhân tạo thay cát tự nhiên trong xây dựng được xem là giải pháp đem lại nhiều lợi ích. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ưu điểm của cát nhân tạo là kích thước được kiểm soát, dễ dàng đáp ứng được phân loại theo yêu cầu của từng công trình. Với tính chất không chứa các hợp chất hữu cơ và hợp chất hòa tan gây ảnh hưởng đến tính chất của xi măng nên có thể duy trì được cường độ cần thiết của bê tông. Cát nghiền có mô đun độ mịn cao hơn so với cát sông tự nhiên, mang lại khả năng gia công tốt cho bê tông. Cát nghiền không chứa phù sa và các hạt sét nên có khả năng chống mài mòn tốt hơn, trọng lượng cao hơn và độ thấm nước thấp hơn; ít gây ảnh hưởng đến môi trường... Cát nghiền tiết kiệm chi phí hơn cát sông do chi phí vận chuyển thấp. Hơn nữa, đối với tỉnh ta, việc sử dụng cát nhân tạo sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có là các mỏ đá trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, phù hợp với các quy định của Luật Khoáng sản và chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong công tác quản lý khai thác, sản xuất kinh doanh và sử dụng cát làm vật liệu xây dựng.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị sản xuất cát nghiền từ đá với sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng 18.396m3/năm. Tháng 11/2021, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; các tổ chức, đơn vị  sản xuất, khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh về thực hiện đầu tư dây chuyền, máy móc thiết bị nghiền cát từ đá nhằm tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên có sẵn của địa phương theo quy định của Luật Khoáng sản, khuyến khích sản xuất và sử dụng cát nghiền trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top