Kinh tếMôi trường rừng

Những vấn đề nổi bật về chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

00:00 - Thứ Sáu, 25/04/2014 Lượt xem: 4609 In bài viết
ĐBP - Nhìn lại những hoạt động chỉ đạo chiến tranh trong toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, từ khi nhận nhiệm vụ của Bác và Trung ương giao cho mở một chiến dịch tiến công quyết định nhằm đập tan ý chí xâm lược của bọn thực dân phản động Pháp và can thiệp Mỹ, tạo bước ngoặt lịch sử cho cuộc chiến tranh giải phòng dân tộc của Việt Nam và của hai nước anh em Lào và Campuchia, chúng ta thấy nổi lên mấy vấn đề lớn về chỉ đạo chiến lược và chiến dịch như sau:

Thứ nhất, trong gần 130 ngày hoạt động kể từ ngày nhận nhiệm vụ lên đường với chiến trường Điện Biên Phủ, mở chiến dịch lịch sử quyết định cho đến ngày toàn thắng từ 1/1/1954 đến 7/5/1954), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch cũng như toàn thể cán bộ, chiến sỹ của 3 cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần chiến dịch đã biểu hiện một tinh thần quyết chiến, hết sức kiên định về mục tiêu chiến lược dù tình hình có những biến chuyển rất lớn trực tiếp chi phối đến ý định và chủ trương của ta trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam. Từ việc chuẩn bị và hạ quyết tâm tác chiến chiến dịch lần đầu ngày 14/1/1954 đến việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến và triển khai những công tác chuẩn bị rất mới mẻ về các mặt, chiến thuật, chiến đấu, công tác chính trị tư tưởng, công tác bảo đảm vật chất kỹ thuật cho một chiến dịch lâu dài và phát triển ngoài quy luật thông thường, thử thách lòng tin và quyết tâm của cán bộ chỉ huy các cấp, song do tác dụng gương mẫu rất cao của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Chỉ huy trưởng chiến dịch, đã giúp cho chỉ huy các cấp và chiến sĩ có một ý chí sắt đá kiên quyết tiêu diệu tập đoàn cứ điểm địch, không để phụ lòng tin cậy của Trung ương Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước. Điều đó đã được thể hiện thật rõ rệt trong suốt 56 ngày đêm tác chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ.

 

Thứ hai, triển khai quân sự dân chủ. Nhờ có thực hiện quân sự dân chủ trong mọi công tác, trên tuyến chiến đấu cũng như ở các tuyến phục vụ chiến đấu, nên đã bảo đảm phát huy được cao độ sáng kiến của đông đảo cán bộ, chiến sĩ ở các cấp nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn mọi mặt diễn ra trong chiến đấu. Chính nhờ đã thực hiện được dân chủ quân sự đầy đủ mà trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ và chiến sĩ đã sáng tạo ra nhiều phương pháp chiến đấu mới làm địch bất ngờ, không thể đối phó được. Thí dụ như trong khi đào chiến hào đánh lấn, các chiến sĩ đã sáng tạo ra cách chống đỡ với những lựu đạn và mảnh súng cối của địch để chặn quân ta không tiếp cận được. Đó là làm những con cúi bằng những khúc gỗ, quấn chung quanh rất nhiều vòng rơm, lá cây, dây leo để đẩy ở trên mặt hào theo tiến trình của động tác đào công sự lấn vào sát điểm tựa địch đồng thời mỗi chiến sĩ cũng có một cái mũ đan bằng dây thừng ken nhiều lớp lá rừng, đội khi đào chiến hào vào sát địch, những cái đó đã giảm rất nhiều thương vong cho chiến sĩ ta. Hoặc như với pháo 37 ly mỗi khi có địa thế tiến sát được hoặc đến trận địa địch thì cũng mạnh dạn đưa vị trí của cao pháo 37 ly đến sát địch, mục đích khống chế được không phận gần địch nhất làm cho máybay địch khi thả dù tiếp tế ở một độ cao nhất định, đã phải thả ra ngoài xa, xuống những bãi trống hoặc có khi rơi ngay vào những trận địa của quân ta, giúp cho việc đoạt dù tiếp tế của địch, vừa bổ sung vật chất kỹ thuật cho quân ta, vừa dồn quân địch vào thế rất túng thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược. Còn rất nhiều những sáng tạo cụ thể khác đã được tạo ra trong quá trình tác chiến giúp cho chúng ta từng bước tước bỏ được những ưu thế sẵn có của địch, nhất là về mặt hỏa lực của không quân đối với bộ binh của ta. Trong quá trình đánh lấn, càng về cuối chiến dịch càng nảy sinh những cách đánh thần kỳ, thí dụ như một đại đội thuộc Trung đoàn 36 chiến đấu ở phía Tây của Mường Thanh, trong một đêm ngày 23/4 đã bằng động tác lấn và tấn công đánh chiếm cứ điểm 206 của địch ở sát sân bay Mường Thanh. Cứ điểm bị ta đánh chiếm từ nửa đêm mà đến sáng quân địch vẫn không biết. Từ đó có kinh nghiệm nhanh chóng đánh chiếm những điểm tựa ở phía Tây và Nam sân bay Mường Thanh chia cắt hẳn sân bay cho đến ngày 24/4/1954 thì cắt đứt hoàn toàn sân bay, địch không thể hạ cánh, thả dù, thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược tiếp tế xuống cho Mường Thanh. Sự kiện đó đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp biểu dương tại chiến dịch và gọi là “cắt dạ dày” của Mường Thanh.

Thứ ba, tư duy chỉ đạo của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khơi dậy tính năng động trong tổ chức thực hiện của các cấp và tạo nên sự thống nhất sâu sắc trong phân tích và kết luận về các tình huống tác chiến, khuyến khích mọi người đi sâu tìm hiểu vào những khía cạnh còn tiểm ẩn trong các tình huống đang diễn ra trên chiến trường, từ đó tạo nên sự chủ động tích cực trong hành động của các cấp do đã tin vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, dù tình hình có biến động khác với lúc được giao nhiệm vụ.

Khách quan mà xem xét, trong chỉ đạo chiến tranh, đạt được những kết quả đó vì tư duy của người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất có tầm nhìn xa và toàn diện, dễ làm cho cấp dưới tin tưởng khi nghe những ý kiến dặn dò, hướng dẫn trong công tác, vì những điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị thường là cụ thể vào từng việc, đối với từng tình huống, đối với từng cấp, làm cho cấp dưới khi gặp những khó khăn có khả năng chủ động ứng phó một cách kịp thời và có hiệu quả, nhất là không rơi vào những ảo tưởng, nhầm lẫn gây tổn thất cho đơn vị.

Về phương pháp tư tưởng, đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch có một cách nghe báo cáo, nghiên cứu tình hình có định hướng xong không hạn chế người báo cáo, thường là nghe báo cáo rồi hỏi và hỏi rất sâu về chi tiết mà chính người báo cáo nhiều lúc cũng không nghĩ tới. Kết quả là sau khi báo xong với Chỉ huy trưởng thì chính người báo cáo cũng nắm được rõ hơn, sâu hơn những tình hướng mà mình vừa phản ánh.

Ngoài ra, nổi bật lên nữa là nghị lực làm việc của đồng chí Chỉ huy trưởng rất lớn, những người cộng sự ở cơ quan chỉ huy chiến dịch, những cán bộ ở dưới lên làm việc với đồng chí bao giờ cũng thấy đồng chí tỉnh táo và thân ái mặc dù ai cũng biết rằng chính đồng chí cũng đã qua nhiều ngày đêm liên tục nắm sát tình hình tác chiến ở các đơn vị, nhất là nắm sát những khó khăn, thử thách mà các đơn vị đó đã gặp trong tác chiến. Trí tuệ đặc biệt sáng suốt và tâm hồn thương yêu cấp dưới đã làm cho khoảng cách giữa người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất với người thực hành ở dưới đã không còn nữa. Cũng với phong độ đó, trên thực tiễn diễn biến của chiến tranh, khoảng cách giữa những điều xây dựng trong kế hoạch với kết quả thực hiện trên mặt trận đã giảm đi rất nhiều đưa đến thắng lợi lịch sử của chiến dịch.

Nổi bật hơn nhất là một tư duy chỉ đạo hết sức năng động với những đặc tính sau:

- Trình độ nghiên cứu và phân tích rất sâu về quân địch, xem xét thật khách quan những chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng, từ tính chất của binh sĩ cho đến bản lĩnh của người chỉ huy cao nhất của chúng, đối chiếu với những chỗ mạnh yếu thực chất của những đơn vị tham chiến ở Điện Biên Phủ, lấy những chỗ đó làm cơ sở để tính toán thật cụ thể kế hoạch tấn công tiêu diệt quân địch.

- Chủ động nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống kể cả những tình huống có lợi cũng như khó khăn cho ta, không chủ quan, không ảo tưởng để không bị bất ngờ trước những biến chuyển đột nhiên, nhất là khi Mỹ đã trực tiếp can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương với ý định xây dựng một thế lực quân sự mới của chúng ở Nam Thái Bình Dương.

 - Nghệ thuật dẫn dắt tư duy của bản thân ông phát triển biện chứng bám sát mọi biến chuyển của tình hình chiến tranh và tình huống tác chiến của chiến dịch với một sự kiên định đặc biệt trong việc thực hiện những chủ trương lớn đã được quyết định, không lay động cũng không như không ảo tưởng trước mọi tình hình của cuộc chiến tranh và của chiến dịch.

 - Tất cả những điều đó được dựa trên một lòng tự tin và phong độ điềm đạm vốn có của đồng chí Tổng Tư lệnh, cộng với một lòng tin tưởng vững vàng vào khả năng của quần chúng cách mạng, của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp và của đông đảo chiến sĩ đang cùng ông gánh vác sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước Đảng và Bác Hồ. Từ đó, trong quá trình tổ chức thực hiện mọi chủ trương tác chiến, ông đã có sức thuyết phục rất cao và cũng biết khơi dậy ở mọi người sự sáng tạo đặc biệt khi đã đi sâu vào cuộc chiến đấu quyết thắng.

Cách đây bảy trăm năm, khi nói về chiến thắng lịch sử ba lần đánh bại quân Nguyên xâm lược đất nước ta, Trương Hán Siêu đã viết: “Trận này đại thắng bởi Hưng Đạo Vương coi thế giặc nhàn”. Đông Xuân 1953-1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ - một trong những người lãnh đạo chủ chốt của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đã cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường Đông Dương đập tan ý chí xâm lược của thực dân phản động Pháp và can thiệp Mỹ, bởi đồng chí đã nắm chắc thế địch trên chiến trường cả về quân sự lẫn chính trị, đã điều khiển được hành động của chúng để đưa ra những phương hướng, chủ trương tác chiến xuất sắc nhất, đánh bại chúng hoàn toàn sau 56 ngày đêm quyết chiến ở Điện Biên Phủ.

Đại tá Nguyễn Bội Giong

Bình luận
Back To Top