Kinh tếMôi trường rừng

Trận đánh làm “thay đổi trật tự thế giới”

00:00 - Thứ Hai, 04/05/2015 Lượt xem: 3369 In bài viết
ĐBP - Còn nhớ dịp này 61 năm về trước (5/1954), đúng vào những ngày “nước sôi lửa bỏng”, có một sự kiện làm “thay đổi trật tự thế giới” diễn ra tại thung lũng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên. Đó là trận đánh mà lịch sử gọi là Chiến dịch Điện Biên Phủ với tiếng vang “chấn động địa cầu”...

Trước đó chừng hai tháng, ngày 4/3/1954, Tổng Tư lệnh Nava thân chinh lên thị sát tình hình bố phòng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và y không thể ngờ rằng, đó là lần cuối cùng con người kiêu ngạo ấy có mặt tại xứ sở Mường Trời. Cũng như Nava, Chính phủ Pháp, Bộ Quốc phòng Pháp, cả tướng Cônhi (Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam), cùng Đờcát và hầu hết sỹ quan Pháp lúc này rất mong một cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ, để qua đó, họ hy vọng sẽ thu được một thắng lợi lớn về quân sự nhằm cứu nguy quân Pháp trên khắp chiến trường Đông Dương. Chả thế mà trước đó, vào đúng ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ (tức 3/2/1954), Nava còn gửi cho Bộ Chỉ huy của ta (Việt Minh) một lá thư với lời lẽ thách đố tự tin đến mức ngông cuồng, cao ngạo.

Bên cạnh đồng minh Mỹ, người Pháp với tư tưởng hãnh tiến cho rằng Điện Biên Phủ là “cơ hội vàng” để họ đánh bại quân đội Việt Nam non trẻ(!). Mặc dầu vậy, linh cảm một điều gì đó không thật yên tâm, nên Nava cho rằng cần xây dựng thêm một trung tâm đề kháng nữa đề phòng Việt Minh thay đổi chiến thuật khi mùa mưa tới. Tuy nhiên, Đờcát với tư cách Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã phản đối, rồi cả Cônhi cũng phủ nhận quan điểm của Nava bằng câu nói hài hước: “Không nên làm Việt Minh thay đổi quyết định. Cả Tập đoàn cứ điểm đều trông đợi một chiến thắng lớn bằng phòng ngự. Sẽ là một thảm họa về tinh thần nếu Việt Minh không đánh”...

Nhưng Chúa thì không nghĩ thế và cái gì xảy ra đã lập tức xảy ra. Việt Minh không chỉ chủ động tấn công, mà còn chủ động quyết định đánh vào lúc nào, tấn công cứ điểm nào trước. Nhiều căn cứ hoả lực của Đờcát bị phá nát ngay trong đợt tấn công thứ nhất lúc chiều tối ngày 13/3/1954. Điều khiến các binh sỹ Pháp kinh ngạc là những đồn bốt kiên cố của chúng bị pháo kích dữ dội, từ ngay các ngọn núi tưởng rất yên bình xung quanh vùng lòng chảo. Nơi mà theo tính toán của họ, Việt Minh không thể kéo những khẩu pháo trọng lượng hàng tấn ngược lên các sườn dốc cheo leo. Trái với lời hứa “sẽ khoá mõm pháo binh Việt Minh chỉ trong vài phút”, trung tá Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ, đã “nhận trách nhiệm” bằng quả lựu đạn tự kết liễu mình trong hầm cố thủ. Để làm yên lòng binh sỹ, Đờcát gọi cuộc tự sát của Pirốt bằng một tổ hợp danh từ thật mỹ miều, là: “Sự hy sinh vì danh dự quân nhân!”.

Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) nhanh chóng tiêu diệt địch còn kiểm soát một nửa đồi C1 trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Dưới sức mạnh hoả lực của Đại đoàn công pháo 351, phi trường Mường Thanh nhanh chóng bị tê liệt. Mọi nỗ lực của Pháp nhằm khôi phục cầu tiếp viện hàng không - một thế mạnh của Pháp trong trận chiến - đều đã bị chặn lại, bởi lưới lửa phòng không bất ngờ xuất hiện trên các dãy núi Mường Thanh. James Govern và Wallace Buford, hai phi công dân sự, trở thành những người Mỹ đầu tiên tan xác trên bầu trời Tây Bắc - Việt Nam. Những ngày sau, nỗi ám ảnh từ các cánh rừng đã buộc máy bay tiếp viện phải thả dù theo kiểu “ăn may”. Kết quả là đa số nguồn hàng tiếp tế gồm thực phẩm, quân trang, vũ khí và thậm chí cả thông tin tình báo, đã rơi xuống phần đất mà quyền kiểm soát thuộc về các đơn vị đối phương. Đến cuối tháng 4/1954, chiến thuật mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “sự kết hợp giữa đánh tỉa với tấn công tổng lực”, đã hoàn toàn cô lập Điện Biên Phủ với thế giới bên ngoài. Mặt khác, lúc này thung lũng Mường Thanh ngập ngụa bởi những cơn mưa lớn đầu mùa. Bệnh viện dã chiến (gần Chỉ huy sở Tập đoàn) luôn trong tình trạng quá tải, binh sỹ thương vong phải đem để tạm cả ở công sự ngoài trời...

Và rồi, chiều ngày 7/5/1954, đây đó trong thung lũng Mường Thanh đã bắt đầu xuất hiện cờ trắng xin hàng. Theo lệnh của Đờcát, quân giặc bí mật tiêu huỷ vũ khí, quẳng điện đài, đạn dược xuống sông Nậm Rốm. Tại hầm cố thủ, các sỹ quan phụ tá: Lănggle, Bigia, Lơmônie, Vađô... tụ tập quanh Đờcát với tâm trạng vừa lo lắng vừa hồi hộp. Đờcát điện về Hà Nội, lạnh lùng và đơn phương báo cho Cônhi biết sẽ ngừng chống cự vào lúc 7 giờ sáng mai (8/5), nếu không được khẩn cấp cứu viện. Đây là cuộc đàm thoại cuối cùng của Đờcát gọi về Hà Nội.

Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209 Sông Lô, đại đoàn 312 Bến Tre), dẫn đầu một tổ gồm 4 chiến sỹ bịt 2 cửa hầm Đờcát. Sau tiếng nổ của hai quả thủ pháo ném từ trên xuống, một tên giặc lóp ngóp chui lên khỏi hầm, mặt mày xám ngoét, đó là trung tá Tơrăngca. Thừa lệnh Đờcát, Tơrăngca mời các sỹ quan Việt Minh xuống hầm nhận bàn giao chiến trường, có nghĩa Đờcát đã chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện. Câu đầu tiên mà “bậc anh hùng” Đờcát run run nói với Tạ Quốc Luật, là: “Xin đừng bắn tôi!”.

Chưa đầy 1 tuần sau chiến thắng, ngày 13/5/1954, dưới chân dãy Pú Đồn (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên), lễ duyệt binh mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức. Đại đội trưởngTạ Quốc Luật vinh dự được ban tổ chức chọn là người kéo cờ trong lễ duyệt binh. Cũng trong buổi lễ, lần đầu tiên bài hát “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, được công bố trước Bộ Chỉ huy chiến dịch và đại diện các cấp chỉ huy của 5 đại đoàn, trước toàn thể chiến sỹ cùng cán bộ và nhân dân trong vùng. Như vậy, Mường Phăng vừa là nơi phát đi lệnh tiến công, vừa là nơi nhận về tin chiến thắng; là nơi chứng kiến những giờ phút xúc động nhất, trọng đại nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ “Chín năm làm một Điện Biên”. Tính từ ngày ta khai hoả đợt tấn công thứ nhất đến hôm tổ chức lễ duyệt binh, thời gian vừa tròn 2 tháng (13/3/1954 - 13/5/1954).

61 năm qua, bên cạnh những ý nghĩa to lớn về quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao... Chiến thắng Điện Biên Phủ được giới nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế, đánh giá là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, tập hợp rộng rãi các thành phần xã hội, các lực lượng cách mạng, các giới quốc dân đồng bào với tinh thần đã là người Việt Nam thì phải anh dũng đứng lên khi đất nước bị xâm lăng. Hơn bao giờ hết, Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sự kết tinh vĩ đại, thiêng liêng và kỳ diệu của sức mạnh đại đoàn kết dựng nước và giữ nước ấy...

Bích Hạnh
Bình luận
Back To Top