Kinh tếMôi trường rừng

Nguồn lực tạo chuyển biến trong công tác bảo vệ rừng

15:48 - Thứ Tư, 05/02/2020 Lượt xem: 1436 In bài viết

ĐBP - Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thời gian qua trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần quan trọng giúp người dân sống bằng nghề rừng cải thiện cuộc sống. Riêng năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả hơn 24,1 tỷ đồng cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ gần 36.695,8ha rừng thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã, Nhà máy thủy điện Nậm Mức và Nhà máy nước Tuần Giáo. Tháng 10/2019 Quỹ đã tạm ứng trên 8 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2019 cho 167 chủ rừng là cộng đồng và hộ gia đình thuộc lưu vực sông Đà.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng ở xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo).

Được hưởng lợi từ chính sách DVMTR, cuộc sống người dân được cải thiện nên họ đều ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, giữ rừng. Nhờ đó diện tích rừng trên địa bàn tăng lên, hạn chế được tình trạng phá rừng, xâm hại tài nguyên rừng. Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết: Theo Quyết định số 691/QĐ - UBND, ngày 6/9/2013 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ nghiệm thu, bảo vệ, cung ứng dịch vụ môi trường rừng đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản trên địa bàn huyện, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các chủ rừng nghiệm thu diện tích rừng, chuyển hồ sơ để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên làm cơ sở chi trả tiền DVMTR cho người dân. Cùng với đó Hạt đã phối hợp với Quỹ tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Lâm nghiệp, chính sách chi trả DVMTR, phòng chống cháy rừng, sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích... tới các chủ rừng. Được hưởng lợi từ rừng nên ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển rừng đặc biệt là chủ rừng được nâng cao. Vì thế công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, nhất là ở những khu rừng thuộc đối tượng được chi trả DVMTR không còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng không còn là nhiệm vụ riêng của lực lượng kiểm lâm mà nhận được sự đồng thuận, tham gia cao hơn từ phía người dân. Chủ rừng tham gia vào các tổ, đội xung kích phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra kiểm soát rừng... đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm dần các điểm “nóng” về tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Riêng trong năm 2019, đã có hơn 390 người tham gia chữa cháy rừng, góp phần ngăn chặn kịp thời, hạn chế được các vụ cháy rừng lớn xảy ra trên địa bàn tại các xã: Pú Xi, Mường Khoong và Tênh Phông. Phát hiện và xử lý 79 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 233 triệu đồng. Đặc biệt, chủ rừng tích cực hơn trong phát triển diện tích rừng (trồng mới rừng phòng hộ thay thế; chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng thay thế, rừng trồng; tổ chức khoanh nuôi tái sinh rừng; trồng cây hoa ban, trồng thông)... Qua số liệu biến động rừng của cơ quan chức năng cho thấy, đến cuối năm 2019 toàn huyện có 1.315 điểm biến động tăng rừng, với hơn 2.098,1ha rừng tăng thêm, nâng tổng diện tích rừng toàn huyện lên trên 42.349,2ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,3% (độ che phủ tăng 1,8% so với 6 tháng đầu năm 2019).

Với những bước chuyển mạnh mẽ trong việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn trên địa bàn củng cố, kiện toàn các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cấp thôn, bản. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức ký cam kết quản lý bảo vệ rừng với người dân; phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; công tác phòng cháy chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, của huyện; về các nội dung chính sách chi trả DVMTR... Qua đó giúp người dân, đặc biệt là các chủ rừng nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các vùng trọng điểm có rừng. Tăng cường khoán bảo vệ rừng theo hướng hưởng lợi trực tiếp từ rừng và các thu nhập khác bao gồm các khoản thu từ DVMTR đem lại.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận
Back To Top