Kinh tếMôi trường rừng

Người dân bản Cổng Trời đồng lòng giữ rừng

09:20 - Thứ Tư, 04/03/2020 Lượt xem: 2908 In bài viết

ĐBP - Bản Cổng Trời, xã Sa Lông (huyện Mường Chà). Ðây là một trong những bản điển hình về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều năm nay diện tích rừng mà bản Cổng Trời được giao luôn đảm bảo an toàn, không xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép.

Người dân bản Cổng Trời cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà kiểm tra diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Ðể chứng minh cho những kết quả tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng của bản Cổng Trời đã đạt được, Trưởng bản Hạng A Giống đã dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng do cộng đồng bản quản lý. Vừa đi anh Giống vừa giới thiệu: “Ðây là diện tích 420ha rừng phòng hộ được giao cho bản Cổng Trời quản lý, bảo vệ từ năm 2010. Nhờ làm tốt công tác giữ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nên ở đây vẫn duy trì được sự đa dạng sinh học, với nhiều loại cây, như: dẻ, trẩu, cây chủ cánh kiến, tre nứa… Thậm chí, có nhiều cây gỗ to, cao đến vài chục mét vẫn được dân bản trông nom rất cẩn thận”.

Cùng đi với chúng tôi còn có ông Vàng Trùng Chìa - già làng và cũng là hộ dân điển hình trong công tác giữ rừng ở bản Cổng Trời. Thấy trưởng bản chia sẻ về công tác giữ rừng, ông Chìa tiếp lời: “Ðể làm tốt công tác giữ rừng, bản Cổng Trời đã giao nhiệm vụ cho tất cả 61 hộ dân trong bản cùng quản lý. Vì tất cả các hộ đều được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) nên đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng. Ðể mỗi cá nhân, hộ dân chấp hành một cách nghiêm túc, bản Cổng Trời đã xây dựng quy chế, hương ước của bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức và hộ gia đình. Cụ thể, hương ước quy định rõ khi có cháy rừng thì cả bản đều phải tham gia chữa cháy. Ðặc biệt, bản nghiêm cấm hành vi chặt, phá rừng, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Còn muốn khai thác gỗ làm nhà phải có giấy phép của chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện thì mới được làm. Ngoài ra, các gia đình có diện tích nương gần rừng mà muốn làm nương phải đốt vào giờ quy định là từ 6 giờ - 9 giờ sáng hoặc từ 3 - 4 giờ chiều. Còn hộ nào muốn trồng cây sa nhân phải trồng xen kẽ với các cây khác và không được phá rừng. Nếu cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm sẽ bị bản xử phạt… Nhờ những quy định cụ thể của bản mà thời gian qua, diện tích rừng do bản bảo vệ không xảy ra cháy, đặc biệt là không còn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật”.

Ðược mục sở thị những cánh rừng xanh tốt và nghe những chia sẻ của dân bản Cổng Trời về công tác giữ rừng, chúng tôi cũng thấy phấn khởi. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, chúng tôi còn biết thời gian qua dân bản Cổng Trời còn được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và coi rừng là tài sản của mình.

Nói về vấn đề này, Trưởng bản Hạng A Giống nhấn mạnh: “Hàng năm, các hộ dân trong bản đều được hưởng tiền chi trả DVMTR. Ðơn cử như năm 2019, bản được chi trả 147 triệu đồng, chia đều cho 61 hộ, mỗi hộ cũng được hơn 2 triệu đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng đó là động lực để bà con giữ rừng. Từ khi được hưởng lợi từ rừng, bà con đã tổ chức thành lập các tổ quản lý và bảo vệ rừng để tuần tra canh gác. Một số cán bộ, đảng viên còn rất gương mẫu trong các phong trào quản lý bảo vệ rừng.

Ðánh giá về công tác giữ rừng của bản Cổng Trời, ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: Những năm gần đây, ý thức bảo vệ rừng của nhân dân bản Cổng Trời đã được nâng cao hơn. Nhờ vậy, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng; người dân cũng không còn hiện tượng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép như trước. Ðể có được kết quả đó, cộng đồng bản đã làm tốt công tác tuyên truyền những văn bản quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho bà con. Việc người dân được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng… Giờ đây, dân bản Cổng Trời đã coi rừng là tài sản chung để cùng quản lý, bảo vệ.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top