Kinh tếMôi trường rừng

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường ở TX. Mường Lay

17:23 - Thứ Sáu, 29/05/2020 Lượt xem: 1811 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua người dân trên địa bàn TX. Mường Lay được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Diện tích rừng nằm lưu vực sông Đà nên mức chi trả hàng năm tương đối cao, do đó nguồn tiền này đóng vai trò tích cực, ý nghĩa với người dân trên địa bàn trong việc góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế để phát triển kinh tế. Ý thức được nguồn lợi ấy, người dân càng trách nhiệm hơn tham gia bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Người dân bản Chi Luông 1 (phường Na Lay) kịp thời phát hiện ngăn chặn 1 vụ phá rừng do người dân từ nơi khác vào tháng 3/2020. Trong ảnh: Trưởng Cộng đồng bản Chi Luông 1 Lò Văn Chợi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.

Năm 2019 chủ rừng cộng đồng bản Chi Luông 1 (phường Na Lay) được nhận số tiền tạm ứng gần 92,3 triệu đồng. Sau khi rút tiền từ phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội về cộng đồng bản tổ chức họp và thống nhất chi cho 68 hộ dân trong cộng đồng với tổng số tiền 74,8 triệu đồng; trích lại Quỹ cộng đồng hơn 17,4 triệu đồng. Mỗi hộ được nhận 1,1 triệu đồng. Số tiền này đã góp phần giúp bà con cải thiện cuộc sống, cùng với số tiền tiết kiệm tích góp khác, nhiều hộ đã mua con giống gia súc, gia cầm để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế - Ông Lò Văn Chợi, Trưởng bản, Trưởng Cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng bản Chi Luông 1, cho biết: Với 306ha rừng được giao cho người dân trong bản quản lý, bảo vệ; cộng đồng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR lồng ghép các cuộc họp dân cư, tuần tra… qua đó nâng cao trách nhiệm cho người dân trong cộng đồng về ý thức giữ, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. 

Kết quả kiểm tra, giám sát của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với Ban Kiểm soát quỹ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn TX. Mường Lay năm 2020 cho thấy, người dân trên địa bàn, nhất là các chủ rừng được tuyên truyền phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2016/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Cán bộ Quỹ và cán bộ Hạt Kiểm lâm TX. đã hướng dẫn chủ rừng cách ghi chép Sổ tay chi trả DVMTR, sử dụng tiền DVMTR, Sổ tuần tra bảo vệ rừng cho 9 cộng đồng các tổ dân phố, thôn, bản thu hút 538 lượt người tham gia; cấp, phát 33 cuốn Sổ tay tuần tra bảo vệ rừng để phục vụ cho việc ghi chép công tác tuần tra bảo vệ rừng và chi trả DVMTR. Công tác tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn người dân cách thức ghi chép nhật ký liên quan tới công tác quản lý, theo dõi các hoạt động thực hiện chính sách chi trả DVMTR được thực hiện đã giúp chủ rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện đúng quy định. Nhờ đó việc sử dụng tiền DVMTR trên địa bàn đúng mục đích, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiến hành chi trả hơn 5,4 tỷ đồng tiền DVMTR cho các chủ rừng (chiếm 96% tổng số tiền các chủ rừng được hưởng hơn 5,66 tỷ đồng). Số tiền chưa chi trả do diện tích rừng giao bổ sung cho 7 chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn chưa có bản đồ kèm theo Quyết định giao đất, giao rừng bổ sung năm 2015; UBND TX. chưa chỉnh sửa quyết định giao đất, giao rừng của các cộng đồng khi có quyết định sáp nhập thôn, bản của UBND tỉnh.

Qua thực tế kiểm tra, tại TX. Mường Lay còn xảy ra tình trạng chồng xếp ranh giới bản đồ 3 loại rừng, bản đồ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng năm 2018, bản đồ giao đất, giao rừng. Một số lô rừng có cung ứng và đang hưởng chi trả DVMTR nằm ngoài ranh giới của xã Lay Nưa và giao chồng lấn lên diện tích rừng của cộng đồng bản Pom Cại (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà). Tổng diện tích giao chồng lấn gần 17ha tại Lô b, Khoảnh 9, Tiểu khu 434 thuộc Cộng đồng bản Ho Cang; Lô C, e, Khoảnh 5, Tiểu khu 435 thuộc Cộng đồng bản Huổi Luân (xã Lay Nưa).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay cho biết, đối với diện tích giao chồng lấn sang địa giới hành chính của huyện khác là do lịch sử để lại từ trước diện tích rừng xen kẽ với đất nương luân canh, đất ở của người dân bản Ho Cang, bản Huổi Luân (xã Lay Nưa) sau được nhân dân khoanh nuôi bảo vệ phát triển thành rừng. Mặt khác, do cơ quan chuyên môn của TX. không đối chiếu các nguồn bản đồ, do vậy không phát hiện ra. Vì vậy thị xã sẽ sớm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, thống nhất và tham mưu điều chỉnh Quyết định giao đất, giao rừng đúng với địa giới hành chính theo quy định. Với các cộng đồng tổ dân phố, bản đã sáp nhập theo Quyết định của UBND tỉnh, UBND TX. sẽ giao Hạt Kiểm lâm và UBND xã, phường trên địa bàn rà soát, báo cáo và tham mưu việc thu hồi để giao lại cho đúng tên cộng đồng thôn, bản quản lý, bảo vệ, giúp chủ rừng sớm nhận được tiền chi trả DVMTR cũng như trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top