Kinh tếMôi trường rừng

Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả

09:59 - Chủ Nhật, 30/08/2020 Lượt xem: 1800 In bài viết

ĐBP - Xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 10.238,3ha, trong đó diện tích có rừng xấp xỉ 2.359,3ha. Thời gian qua công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và quản lý lâm sản được chủ rừng, các cơ quan, tổ chức có liên quan quan tâm thực hiện, bước đầu phát huy hiệu quả; song vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã quản lý. Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ những diện tích rừng này, từ năm 2018 - 2019 UBND xã đã xây dựng phương án PCCCR và sử dụng hiệu quả số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), huy động được đông đảo người dân tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Không chỉ tích cực tham gia tuần tra rừng, đoàn viên thanh niên xã Mường Toong tích cực hỗ trợ nhân dân trồng mới, bảo vệ rừng. Ảnh: C.T.V

Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Đánh giá hằng năm về công tác quản lý bảo vệ rừng cho thấy dù có nhiều chuyển biến tích cực, song trên thực tế tình trạng khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương còn xảy ra ở một số cộng đồng thôn, bản và có nhiều diễn biến phức tạp; đặc biệt là ở những diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê nằm rải rác trên địa bàn. Một số đối tượng lợi dụng vào rừng khai thác trộm lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương; trong khi khả năng phối hợp, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đôi khi chưa được phát hiện kịp thời. Xã có 20 bản, nhiều khu rừng dễ cháy đều là rừng tự nhiên, xa khu dân cư nên rất khó huy động lực lượng khi xảy ra cháy rừng. Toàn xã xác định có gần 170ha rừng có nguy cơ cháy cao, thuộc khu vực các bản Nậm Pan 1, 3; Mường Toong 1, 2, 3; khu vực bản Ngã Ba; Nậm Hà, Huổi Đanh, Huổi Pính… Chính vì vậy, để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được hưởng lợi từ chi trả DVMTR cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo các thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; UBND xã đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, PCCCR đối với hơn 502,9ha rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã quản lý. Với mục tiêu cao nhất đặt ra đó là nâng cao tính chủ động, sự tham gia phối hợp kịp thời giữa các lực lượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, quản lý lâm sản. Xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn; nâng cao khả năng kiểm soát và hiệu lực công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, nhằm giảm thiểu các vụ vi phạm và thiệt hại về tài nguyên rừng do các hành vi của con người gây ra.

Số tiền DVMTR được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả hằng năm đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê xã đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng (dao phát, máy phát thực bì, trang phục bảo hộ lao động cho người dân sử dụng trong tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR…); đặc biệt là chi trả hỗ trợ tuần tra, truy quét, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chữa cháy rừng cho người dân trực tiếp tham gia. Mức chi cho hoạt động tuần tra được tính theo quy định của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và PCCCR trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xăng dầu cho phương tiện tham gia tuần tra, kiểm tra rừng; hỗ trợ các thành viên tham gia trực PCCCR trong mùa khô… Đồng thời kịp thời động viên, khen thưởng những trường hợp tích cực, có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR…

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và huy động người dân tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, chất lượng diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã quản lý được nâng lên; đủ điều kiện nghiệm thu chi trả tiền DVMTR. Năm 2019 UBND xã Mường Toong nhận được hơn 603,5 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả cho công tác quản lý, bảo vệ hơn 502,9ha rừng chưa giao, chưa cho thuê. Việc công khai, minh bạch trong chi trả từng hạng mục, phần việc bảo vệ rừng, PCCCR tới người dân và tổ chức hiệu quả các hoạt động phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Qua đó nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân, tính chủ động, kịp thời trong huy động lực lượng tham gia phòng chống chặt phá rừng, chống cháy rừng, ngăn chặn các hành vi vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn. Tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và đặc biệt là nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR góp phần không nhỏ tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân sống gần rừng.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top