Kinh tếMôi trường rừng

Giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

14:55 - Thứ Năm, 26/11/2020 Lượt xem: 1537 In bài viết

ĐBP - Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (huyện Mường Nhé) được giao quản lý 45.581ha rừng đặc dụng; 1.647ha rừng được quy hoạch rừng đặc dụng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 tại 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè. Địa hình phức tạp, địa bàn rộng; đời sống người dân trong khu vực vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán canh tác lạc hậu cộng với tình hình dân di dịch cư tự do trong khu vực diễn biến phức tạp; việc phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép vẫn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái. Chính vì vậy việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong thời gian qua đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, sống nhờ rừng ngày càng được cải thiện.

Cán bộ của Trạm bảo vệ rừng (Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé) cùng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuần tra rừng.

Xác định tuyên truyền chính sách phát triển lâm nghiệp nói chung, chính sách chi trả DVMTR nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, chủ rừng bảo vệ rừng. Cùng với việc mở 5 lớp tập huấn về chính sách chi trả DVMTR cho chủ rừng của 100% các bản thuộc 5 xã vùng đệm; từ đầu năm tới nay Ban chủ động phối hợp với UBND các xã vùng đệm, các lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức gần 30 buổi tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến chính sách chi trả DVMTR, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Ngoài tuyên truyền thông qua họp thôn, bản; Ban còn tuyên truyền bằng phương thức trực tuyến qua website của đơn vị http:bttnmuongnhe.org.vn. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban thực hiện tốt công tác ký kết hợp đồng và bàn giao thực địa đối với diện tích rừng cung ứng DVMTR cho các nhóm, hộ. Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Căn cứ kết quả nghiệm thu bảo vệ rừng cung ứng DVMTR; thông báo diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2019 cho các chủ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé; Ban ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng cung ứng DVMTR ổn định cho các cộng đồng dân cư ở vùng đệm và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang với tổng diện tích đáp ứng được yêu cầu chi trả DVMTR năm 2020 là 35.052,56ha/45.581ha. Trong đó, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng hơn 28.970,3ha (chiếm hơn 82,5% tổng diện tích có rừng), còn lại là diện tích rừng đơn vị tự bảo vệ. Hiện nay, Ban đã ký hợp đồng bảo vệ rừng với 38 nhóm cộng đồng, đơn vị; thu hút 1.817 thành viên tham gia.

Căn cứ kế hoạch do các Trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng, hàng tháng các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng chia các tổ đi tuần tra, kiểm tra khu vực của nhóm nhận khoán bảo vệ theo kế hoạch. Các nhóm thực hiện nghiêm công tác báo cáo Trạm quản lý bảo vệ rừng sau mỗi lượt tuần tra, kiểm tra để kịp nắm bắt thông tin tình hình liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua tuần tra đã phát hiện và xử lý 6 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, 3 vụ vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng; 1 vụ vi phạm về bảo vệ động vật rừng; 1 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật và 1 vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật với tổng số tiền xử phạt hơn 20 triệu đồng. Nhờ phối hợp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nên chất lượng rừng trên địa bàn Ban quản lý ngày càng tốt hơn, hạn chế thấp nhất các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Minh chứng rõ ràng cho điều đó là qua kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019 sử dụng để chi trả DVMTR do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy có 35.052,56ha rừng đáp ứng yêu cầu chi trả DVMTR, vượt kế hoạch năm 2019 là 2,53%. Đơn giá thanh toán DVMTR cho các diện tích được hưởng cũng ngày càng tăng cao, riêng năm 2019 đơn giá chi trả thực hiện của Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho chủ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là 995.540đồng/ha. Đơn giá Ban thanh toán cho các nhóm nhận khoán là 895.986đồng/ha. Tháng 6 vừa qua Ban đã chuyển khoản thanh toán tiền công bảo vệ rừng cung ứng DVMTR năm 2019 cho các nhóm nhận khoán của 5 xã với tổng số tiền hơn 11,1 tỷ đồng.

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao chất lượng rừng cung ứng DVMTR Ban tiếp tục phối, kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng đứng trên địa bàn thực hiện tốt công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý lâm sản. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về chính sách phát triển lâm nghiệp, chính sách chi trả DVMTR; tăng cường đôn đốc các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát khu vực nhận khoán. Và đặc biệt là chú trọng truyền thông về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn để thêm nhiều đối tượng được nâng cao ý thức, nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top