Kinh tếMôi trường rừng

Trồng rừng thay thế ở Điện Biên

15:35 - Thứ Hai, 30/11/2020 Lượt xem: 1510 In bài viết

ĐBP - Theo quy định, khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác bắt buộc phải trồng rừng thay thế với diện tích tối thiểu bằng diện tích rừng đã thực hiện chuyển đổi. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã phê duyệt chuyển đổi hơn 508,2ha rừng, tổng số tiền phải nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trên 51,6 tỷ đồng. Đến nay các đơn vị được giao nhiệm vụ đã trồng được gần 459,2ha rừng; tổng số tiền giải ngân đạt hơn 30,7 tỷ đồng.

Cán bộ Ban Kiểm soát Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà và các hộ nhận khoán trồng rừng thay thế kiểm tra công tác trồng, chăm sóc rừng trồng tại xã Mường Mươn. Ảnh: C.T.V

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo, ngoài 13,2ha rừng thực hiện trồng thay thế công trình thủy điện Nậm Mức do chủ đầu tư tự trồng với tổng số vốn hơn 581,9 triệu đồng, thì từ năm 2016 tới hết năm 2019 Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo trồng được 94,14ha rừng thay thế thực hiện các dự án. Như dự án đầu tư xây dựng công trình đường dây 500 KV Sơn La - Lai Châu; dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy điện Nậm Mu 2 (xã Mường Mùn); dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy điện Nậm Pay (xã Nà Tòng); dự án đầu tư xây dựng các công trình đường vận hành VH1 thủy điện Long Tạo (xã Pú Xi)… Tổng vốn trồng rừng thay thế đối với các phương án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh từ năm 2016 - 2019 đã thực hiện và giải ngân hơn 4,8 tỷ đồng (đạt gần 92% kế hoạch).

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo, cho biết: Toàn bộ diện tích rừng trồng, chăm sóc, bảo vệ hàng năm đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định từ ký kết hợp đồng, xây dựng hồ sơ dự toán trình phê duyệt; hướng dẫn các hộ nhận khoán trồng rừng, chăm sóc thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật đến việc tổ chức nghiệm thu thanh toán đảm bảo đối với những diện tích đủ điều kiện thanh toán. Chính vì vậy, những diện tích rừng đã đầu tư được các hộ nhận khoán chăm sóc, quản lý, bảo vệ, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Các chỉ tiêu lâm học đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí theo tiêu chuẩn TCVN áp dụng cho từng đối tượng. Năm 2020, huyện Tuần Giáo được giao kế hoạch trồng 30ha rừng trồng thay thế. Để chủ động trong việc trồng rừng, ngay từ đầu năm Ban đã triển khai các bước và tổ chức khảo sát thiết kế diện tích rừng trồng thay thế 30,5ha; hướng dẫn các hộ nhận khoán thực hiện hoàn thiện các công đoạn phát dọn, cuốc hố chuẩn bị trồng rừng; đồng thời tổ chức cấp phân NPK bón lót, thuốc mối, cấp cây giống… để đảm bảo mùa vụ. Tuy nhiên đến nay đơn vị vẫn chưa được phân bổ vốn.

Tuy nhiên, không phải cứ trồng rừng thay thế thì thành rừng như ở huyện Tuần Giáo mà tại không ít các địa phương khác rừng thay thế không… thành rừng. Kết quả kiểm tra của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa qua cho thấy, 446,5ha rừng trồng thay thế từ năm 2016 đến nay đã hết giai đoạn đầu tư chăm sóc nhưng chỉ 237,8ha (chiếm 53,3% diện tích) đạt tiêu chí thành rừng. Ngoài diện tích rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên và huyện Mường Ảng sinh trưởng, phát triển tốt thì phần lớn diện tích rừng trồng của các đơn vị còn lại mật độ cây trồng không đảm bảo quy định, cây sinh trưởng kém, tỷ lệ thành rừng thấp. Cụ thể, kiểm tra 31,81ha rừng trồng thay thế từ năm 2016 đến nay tại huyện Tủa Chùa thì có 13,49ha không đủ tiêu chí thành rừng (tập trung ở các xã: Tủa Thàng, Mường Báng, Xá Nhè…). Tương tự, huyện Nậm Pồ được giao thực hiện 22ha trồng rừng thay thế nhưng gần nửa diện tích đã trồng không thành rừng.

Không chỉ chất lượng rừng trồng thay thế chưa thực sự hiệu quả mà việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng thay thế cũng không đạt chỉ tiêu hàng năm. Ðơn cử, năm 2020 UBND tỉnh giao chỉ tiêu 80ha rừng trồng thay thế, đến nay đã hết mùa trồng rừng nhưng mới chỉ thực hiện được gần 62ha (đạt 77% kế hoạch). Ðể nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng thay thế, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các dự án bảo vệ, phát triển rừng cấp huyện và các chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục diện tích rừng trồng hết giai đoạn đầu tư chăm sóc nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật… để diện tích đã trồng rừng thay thế thành rừng.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top