Kinh tếMôi trường rừng

Chi trả dịch vụ môi trường rừng

Nguồn lực để Ðiện Biên phát triển rừng bền vững

10:00 - Thứ Năm, 25/02/2021 Lượt xem: 1369 In bài viết

ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) nhằm bổ sung nguồn tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sau 10 năm triển khai thực hiện tại Ðiện Biên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; chính sách này đã tạo bước đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện đời sống, sinh kế cho người dân tham gia giữ, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trao quà cho học sinh Trường THCS Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) dịp đầu năm học 2020 - 2021.

Ðiện Biên là tỉnh miền núi, nằm ở lưu vực đầu nguồn của hệ thống sông Ðà, sông Mã và sông Mê Kông, có vai trò cung cấp nước cho 3 nhà máy thủy điện lớn là: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Diện tích rừng cung ứng DVMTR toàn tỉnh trên 396.000ha (chiếm 98,3% diện tích rừng của tỉnh); trong đó lưu vực sông Ðà hơn 261.103,8ha; lưu vực sông Mã gần 68.492,8ha và lưu vực nội tỉnh là 66.704,44ha. Ðể chính sách triển khai thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn theo dõi, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện chính sách, việc quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR ở cơ sở, kịp thời uốn nắn, hạn chế những thiếu sót trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thường xuyên phối hợp với chính quyền cấp huyện, đồn biên phòng, UBND các xã, phường cử đại diện lãnh đạo, cán bộ tham gia kiểm tra, giám sát, hỗ trợ triển khai thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR tại cơ sở nhằm đảm bảo an toàn, đúng quy định; tổ chức kiểm toán tài chính nội bộ hoàn thành việc thanh, quyết toán.

Bà Ðặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ðiện Biên và ông Phạm Văn Viên, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Long Tạo Ðiện Biên ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện các hoạt động tuyên truyền nội dung chính sách chi trả DVMTR, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Trong 10 năm qua đã tổ chức 30 lớp tập huấn về hướng dẫn sử dụng phần mềm QUANTUM GIS (QGIS) để cập nhật, xây dựng, biên tập bản đồ chi trả DVMTR và đồng bộ hóa với hệ thống theo dõi diễn biến rừng; hướng dẫn sử dụng phần mềm V5 PFES và những kiến thức liên quan, thu hút 746 lượt người tham gia. Tổ chức 386 buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR với 12.227 lượt người tham gia; lắp đặt 308 biển báo khu vực chi trả DVMTR; phát 10.000 tờ rơi, dán 1.500 tờ áp phích tại các cửa rừng và khu dân cư; phát 6.000 quyển lịch và tờ lịch; 5.500 bản tin, 2.600 sổ tay chi trả DVMTR; 942 sổ tay tuần tra bảo vệ rừng, cung ứng DVMTR, 3.000 bộ áo mưa, 4.000 áo khoác, 5.000 ba lô, 110.000 quyển vở cho học sinh có logo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng…

Cán bộ Ban Kiểm soát Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà và các hộ nhận khoán trồng rừng thay thế kiểm tra công tác trồng, chăm sóc rừng trồng tại xã Mường Mươn.

Ðánh giá kết quả triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong một thập kỷ qua, bà Ðặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Chi trả DVMTR là chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước về xã hội hóa nghề rừng; huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Ðiều đó đặc biệt có ý nghĩa với người dân nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn như Ðiện Biên. Từ năm 2011 đến nay, Quỹ đã thực hiện chi trả gần 1.275,4 tỷ đồng tiền DVMTR cho 4.322 chủ rừng. Ở những khu vực được hưởng lợi từ chính sách đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng; nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm. Từ đó hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật so với những năm trước; đồng thời nâng số hộ trực tiếp tham gia bảo vệ, giữ rừng. Cụ thể, năm 2013 có 33.997 hộ tham gia thì tới nay đã lên tới 75.129 hộ. Qua đó đã huy động được thêm nguồn nhân lực lớn tham gia công tác tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên, gắn trách nhiệm và lợi ích của người dân với rừng, ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiểm tra trạng thái rừng ngoài thực địa với bản đồ.

Ðược hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, người dân có thêm thu nhập góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sinh kế. Thống kê của cơ quan chức năng, bình quân mỗi hộ tham gia bảo vệ rừng thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR là 1,5 triệu đồng/năm. Diện tích rừng thuộc lưu vực sông Ðà thu nhập bình quân của các hộ cao hơn, đạt trên 3 triệu đồng/hộ/năm. Như tại huyện Mường Nhé, cộng đồng bản Quảng Lâm (xã Quảng Lâm); cộng đồng bản Nậm Hinh 2 (xã Mường Toong); bản Huổi Lếch, xã Huổi Lếch mỗi hộ thu nhập gần 10 triệu đồng/năm. Riêng với các gia đình trong cộng đồng bản Tả Ló San, Tả Khoa Pá (xã Sen Thượng), trung bình đạt hơn 90 triệu đồng/hộ/năm.

Anh Lỳ Tư Xè, Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng bản Nậm Pắt (xã Chung Chải) tâm sự: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản rất khó khăn. Từ năm 2013, được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho nhận khoán bảo vệ rừng, nhờ đó dân bản có thêm nguồn thu đáng kể. Giai đoạn đầu (2013 - 2016) do đơn giá còn thấp nên thu nhập của bà con khoảng 5 - 8 triệu đồng/hộ/năm. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, đơn giá chi trả cao hơn nên thu nhập đạt từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/năm. Từ nguồn tiền này, nhiều gia đình tích góp xây dựng nhà cửa kiên cố, mua được phương tiện đi lại, sắm đồ dùng hiện đại phục vụ sinh hoạt, nhu cầu giải trí góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia Kiên
Bình luận
Back To Top