Kinh tếNông thôn mới

Mường Ảng xây dựng sản phẩm OCOP

08:50 - Thứ Tư, 10/06/2020 Lượt xem: 3022 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ðồng thời giúp người dân mạnh dạn tham gia, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Gia đình anh Ðỗ Xuân Ðệ, bản Cáy, xã Ngối Cáy thu hoạch cây sả để sản xuất tinh dầu.

Ông Lù Văn Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Cà phê, bưởi da xanh, cam Vinh, vịt cổ ngắn... nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã  và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm với tổng kinh phí  thực hiện trên 200 triệu đồng.

Là một trong những người mạnh dạn đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm tinh dầu sả, anh Ðỗ Xuân Ðệ, bản Cáy, xã Ngối Cáy cho biết: Tôi sản xuất tinh dầu sả từ nhiều năm nay, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, tuy nhiên chỉ sản xuất quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ ít, chủ yếu là bán lẻ cho người dân và một số cửa hàng trên địa bàn huyện. Tôi cũng muốn mở rộng thị trường, nhưng do sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có tổ chức nào đánh giá và công nhận chất lượng sản phẩm thương mại nên rất khó phát triển dù nguồn nguyên liệu dồi dào; sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tốt với công dụng đa dạng như: Xịt phòng, xông hơi, gội đầu, khử mùi tự nhiên… Sau khi được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã mạnh dạn đăng ký. Hiện nay gia đình trồng trên 4ha cây xả, cùng với hệ thống máy móc hiện đại, hi vọng sản phẩm tinh dầu xả nguyên chất của gia đình sớm được cơ quan chức năng đánh giá đạt chuẩn “sao”.

Gia đình chị Vũ Thị Ngân, ở xã Ẳng Nưa cũng đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm bưởi da xanh. Hiện nay gia đình chị có hơn 2ha bưởi da xanh chuẩn bị cho thu hoạch. “Tôi mong sản phẩm đạt chất lượng, được hội đồng chuyên môn công nhận. Khi nông sản đã có thương hiệu thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn” - chị Ngân bày tỏ.

Năm 2019, trên cơ sở đăng ký sản phẩm của các cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, sau khi đánh giá, phân hạng cấp huyện, UBND huyện Mường Ảng đã đề nghị Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sản phẩm: Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Ðiện Biên; Cà phê phin giấy Mon black coffee drip bag và Cà phê túi nhúng Smile single bar coffee. Kết quả cả 3 sản phẩm đều được công nhận đạt “3 sao”, là 3 trong số 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2019 của tỉnh.

Theo ông Lù Văn Cường, dù đã có những kết quả nhất định trong thực hiện Chương trình OCOP song còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông ngiệp chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình, chủ yếu vẫn là do chính quyền, cơ quan chuyên môn vận động chứ chưa có sự tự nguyện. Thời gian tới Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia. Ðồng thời mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP tại các xã, thị trấn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top