Kinh tếNông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới từ những con người mới

08:41 - Thứ Tư, 15/07/2020 Lượt xem: 2949 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều năm triển khai, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã trở nên quen thuộc, gần gũi, được người dân chủ động và nhiệt tình tham gia. Từ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau vượt khó, tự nguyện hiến đất, chung sức làm các công trình cộng đồng đến dọn sạch đường làng, gieo trồng đường hoa làm đẹp thôn bản…

Người dân bản Na Côm, xã Hẹ Muông hiến đất, góp công làm đường nội bản.

Năm 2018, địa bàn xã Hua Thanh được hỗ trợ đầu tư tuyến đường nội bản theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước hỗ trợ xi măng, đá, cát. Người dân góp công và máy móc. Bản ban đầu được ưu tiên hỗ trợ làm đường đã từ chối nhận do không huy động được bà con cùng tham gia đóng góp. Trong buổi họp của xã, khi biết việc này, Bí thư Chi bộ bản Co Pục - ông Quàng Văn Nhí đã đứng lên xin chủ trương về vận động người dân Co Pục, nhận công trình này về cho bản mình. Ông Nhí kể lại: “Quyết định nhanh nhưng vẫn không khỏi lo lắng bởi từ trước đến nay dân bản chưa từng đóng góp nhiều công sức hay tiền của cho các công trình chung. Tôi về tổ chức họp chi bộ, họp dân bản thông tin chủ trương, lợi ích của tuyến đường để vận động bà con tham gia. Rồi cùng các đoàn, hội của bản đến từng nhà gỡ vướng mắc. Từ thực tế ai cũng mong muốn sớm có đường đi lại thuận tiện nên sau nhiều lần thuyết phục, cả bản đều nhất trí chung sức làm đường NTM và còn hiến tổng cộng 300m2 đất để mở rộng đường”. Trong 3 tháng ròng rã, người dân Co Pục chia làm 6 tổ lao động, góp gần 800 ngày công. Về máy móc, ông Nhí cùng đại diện bản lên Thủy điện Nậm Khẩu Hú nhờ doanh nghiệp đang thi công tại đó giúp một vài ngày công máy xúc và mượn 1 máy trộn bê tông, 1 máy trộn do xã hỗ trợ. Với nỗ lực đó, người dân Co Pục đã hoàn thành tuyến đường nội bản gần 3km, trục chính rộng 4m, các tuyến nhánh rộng 2,5m. Ngày khánh thành tuyến đường, ai nấy đều mừng vui bởi từ nay đưa con đi học, chuyên chở nông sản, vật liệu xây dựng nhà cửa không còn lo trơn trượt vào mùa mưa, bụi bẩn vào mùa khô. Nhờ “con người mới” quyết đoán, quyết liệt như Bí thư Quàng Văn Nhí, con đường bê tông kiên cố, sạch đẹp mà người dân Co Pục mong ước từ lâu đã thành sự thật.

Mỗi người có thể góp sức xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể khác nhau. Chị Lò Thị Lâm với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Sam Mứn, xã Sam Mứn đã tích cực giúp đỡ chị em trong bản vươn lên thoát nghèo. Năm 2019, từ nguồn vốn vay của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chị Lâm đứng ra kết nối, hướng dẫn được 23 hộ hội viên vay vốn phát triển chăn nuôi với mức 10 triệu đồng/hộ. Các gia đình đều đã sử dụng tiền đúng mục đích đầu tư con giống, nhân đàn gia súc, gia cầm. Không ít hộ phát triển được đàn gà, ngan, vịt 300 - 400 con, tăng thu nhập cho gia đình. Cùng năm, với nguồn hỗ trợ mái ấm cho phụ nữ nghèo làm chủ hộ của tỉnh Hội, chị đề xuất thành công cho chị Lò Thị Xọn, là hộ nghèo, mẹ đơn thân trong bản. Từ khi bắt đầu triển khai, chị Lâm xắn tay làm mọi việc, giúp đỡ mẹ con chị Xọn cho đến khi hoàn thiện ngôi nhà mới. Chị thông qua bí thư, trưởng bản xin chủ trương huy động các hộ, hội viên phụ nữ góp công làm nhà. Chị vừa vận động được 100 công của người dân trong bản, vừa tham gia trực tiếp giúp chị Xọn san nền nhà, chuyển gạch, ngói, xi măng (nhà trên đồi cao). Cuối năm 2019, chị Xọn có nhà mới để ở, lại được hỗ trợ bò giống từ chương trình xây dựng NTM nên cuộc sống đảm bảo hơn. Với sự nhiệt huyết, tích cực của mình, chị Lâm được Tỉnh hội đề xuất Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khen thưởng vì có thành tích trong xây dựng NTM.

Không chỉ ông Quàng Văn Nhí hay chị Lò Thị Lâm, huyện Ðiện Biên còn có nhiều “con người mới” dám thay đổi, hi sinh quyền lợi cá nhân, sáng tạo, linh hoạt các phong trào, hoạt động thiết thực, góp lên thành công trong xây dựng NTM. Có thể kể đến như: Gia đình ông Ðinh Xuân Phúc, đội 4A, xã Sam Mứn hiến 400m2 đất ở để làm nhà văn hóa thôn; gia đình ông Lò Văn Xương, bản Mới, xã Thanh An vừa là tấm gương phát triển kinh tế, vừa hiến đất trị giá 120 triệu đồng làm điểm sinh hoạt cộng đồng bản; người dân bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn trích quỹ bản 117 triệu đồng cùng Nhà nước xây dựng nhà văn hóa bản; các chi hội phụ nữ xã Thanh Yên duy trì định kỳ tổng vệ sinh, quét dọn, phát quang đường làng, ngõ xóm… Mỗi việc làm đều là sự đóng góp đáng ghi nhận. Qua đó thấy được sự chủ động, khẳng định được vai trò người dân trong xây dựng NTM.

Trong Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn của UBND huyện Ðiện Biên (tháng 4/2020) cũng đã khẳng định: “Từ thực tiễn triển khai một số cơ chế, chính sách trong hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn (bản), làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi đã huy động nguồn lực rất lớn từ cộng đồng dân cư, góp phần vào kết quả đạt được trong xây dựng NTM tại cấp xã nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung, diện mạo nông thôn huyện Ðiện Biên ngày càng khang trang hơn”. Trong 5 năm, người dân, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp bằng tiền, đóng góp công lao động, vật liệu, hiến đất để xây dựng NTM với tổng kinh phí là 94,803 tỷ đồng. Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”; thành lập “Tổ tự quản môi trường”, phát động ủng hộ “Vì người nghèo”, “Quỹ xóa nhà tạm, dột nát”... cũng đóng vai trò không nhỏ để các xã hoàn thiện những tiêu chí NTM. Nhờ những đóng góp đó, hết năm 2019, huyện Ðiện Biên đã có 16/25 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, với số tiêu chí bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Năm 2020 phấn đấu có thêm 2 xã cơ bản đạt chuẩn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top