Kinh tếNông thôn mới

Huyện Điện Biên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

08:49 - Thứ Ba, 17/11/2020 Lượt xem: 3367 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là huyện có nhiều lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao khi hơn 70% diện tích cánh đồng Mường Thanh nằm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, những năm qua giá trị từ sản xuất nông nghiệp mang lại chưa đạt được như kỳ vọng. Từ việc đánh giá những tiềm năng, lợi thế vốn có về tự nhiên, xã hội; cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên đã xác định ưu tiên phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững gắn với xây dựng thương hiệu, tạo đà cho sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa.

Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên giới thiệu sản phẩm gạo Tâm Sáng cho khách hàng.

Nói về tiềm năng, lợi thế của huyện Điện Biên, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 14.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa nước trên 6.000ha, riêng vùng lòng chảo có gần 4.000ha; trình độ thâm canh cao, nông dân huyện Điện Biên chăm chỉ, chủ động đưa giống mới, cây trồng năng suất cao vào sản xuất. Thế nhưng người làm nông nghiệp huyện Điện Biên luôn rơi vào cảnh “được mùa mất giá” nên dù năng suất cây trồng cao nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp và thiếu ổn định”. Năm 2019 tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp toàn huyện mới đạt 1.878 tỷ đồng; bình quân lương thực cũng mới đạt 785kg/người/năm. Thực trạng đó khiến cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Điện Biên không khỏi trăn trở và suy nghĩ. Để tìm được hướng đi, sau nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, cán bộ làm nông nghiệp cùng với nông dân trên địa bàn huyện đã đi đến thống nhất, đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực gắn với thương hiệu Điện Biên để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường ổn định để nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng.

Cùng với đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, UBND huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tháng 6/2019, huyện Điện Biên phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các xã khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình; cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn; đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, ý nghĩa Chương trình bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, huyện chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP phương pháp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch tài chính, quản trị để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) phát triển ổn định.

Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung vào nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt các mô hình, dự án; ưu tiên triển khai các mô hình, dự án theo quy mô tập trung, có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới có giá trị kinh tế cao; không phê duyệt các mô hình, dự án không xuất phát từ nhu cầu của người dân, phạm vi thực hiện manh mún, nhỏ lẻ và không có giải pháp tổ chức sản xuất và phương án nhân rộng sau khi kết thúc dự án. Công tác quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sau đầu tư được coi trọng; lựa chọn những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao để tuyên truyền, nhân rộng. Các sản phẩm OCOP được đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; tổ chức cho các đoàn xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại thị trường nội tỉnh, ngoại tỉnh và quốc tế đối với các sản phẩm được chứng nhận OCOP, lồng ghép vào các dịp lễ hội, văn hóa của địa phương… Với các chủ thể có khả năng chủ động thực hiện chương trình tiếp thị riêng sản phẩm của đơn vị mình thì huyện sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí để có thêm điều kiện mở rộng thị trường.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, cùng với sự chủ động của nhân dân và các chủ thể, huyện Điện Biên đã phê duyệt, triển khai 21 dự án, tập trung vào 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Lúa gạo, rau an toàn, vú sữa, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, cá rô phi (cá tươi, cá sấy khô), trâu, bò lấy thịt, gà lai chọi, trứng gà đen, mật ong. Đến cuối năm 2019 huyện đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm của HTX Ong mật Điện Biên được công nhận 4 sao, 3 sản phẩm gạo của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green được công nhận 3 sao. Từ lợi thế của mỗi sản phẩm được công nhận và sự chủ động của các chủ thể, các sản phẩm OCOP của huyện Điện Biên đã tiếp cận được một số thị trường lớn, tiềm năng.

Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết: “Hai sản phẩm gạo của HTX là Tâm Sáng - Séng cù và Tâm Sáng - Tám thơm đã thâm nhập được vào một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường khó tính, như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên… với sản lượng khoảng 600 tấn/vụ. Gần đây, sau khi tham dự hội nghị liên kết - tiêu thụ sản phẩm OCOP từ Hà Nội về thì đã có thêm nhiều đơn vị bán lẻ đề nghị hợp tác lâu dài. Đây là tín hiệu vui với HTX, bởi từ nay HTX sẽ chuyên tâm sản xuất chứ không phải lo tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm như trước nữa”.

Tiếp nối những thành quả đạt được, năm 2020 huyện Điện Biên quyết tâm phấn đấu có thêm 6 sản phẩm: quả vú sữa, miến dong, măng khô, gạo lứt Séng - cù, trứng gà đen và cá sấy được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong những năm tiếp theo, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo, ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để hình thành vùng sản xuất tập trung, mà trước nhất là vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên mô hình cánh đồng lớn ở Thanh Hưng, Thanh Yên. Đồng thời, chủ động lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ các chủ thể đầu tư, bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, giúp các chủ thể khắc phục hạn chế về quy mô sản xuất và đầu tư cho vùng nguyên liệu mà hiện tại HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green đều vướng khi hướng tới mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao. Cùng với đó, để đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu xây dựng vùng lúa chất lượng cao rộng lớn, UBND huyện đã đề xuất danh mục dự án và đang nỗ lực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư với cam kết: Chính quyền đồng hành, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để nhà đầu tư thực sự yên tâm khi đầu tư phát triển sản phẩm OCOP ở Điện Biên.

Với những mục tiêu quan trọng và quyết tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, hy vọng rằng trong thời gian tới các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện sẽ khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top