Kinh tếNông thôn mới

Nông thôn mới thay đổi cuộc sống người dân huyện Điện Biên

08:04 - Thứ Sáu, 03/12/2021 Lượt xem: 3594 In bài viết

ĐBP - Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Điện Biên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng lên.

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Ong mật Điện Biên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trong ảnh: Đại diện Hợp tác xã giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tham quan mô hình sản xuất, chế biến mật ong.

Trước đây, đời sống người dân xã Mường Pồn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Từ khi xã Mường Pồn triển khai xây dựng NTM (năm 2011) đến nay bộ mặt nông thôn thay đổi nhiều, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đảng bộ, chính quyền xã xác định mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân, không chạy theo thành tích. Vì vậy ngay từ khi triển khai, xã chú trọng thực hiện tiêu chí giảm nghèo. Chính quyền xã đã tập trung rà soát, đánh giá nguyên nhân và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo về vốn, giống cây trồng vật nuôi, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nghèo nâng cao ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Từ định hướng đúng đắn đã làm thay đổi đời sống, thu nhập của người dân. Nếu như năm 2016 thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 16 triệu đồng/người thì đến năm 2020 đạt gần 30 triệu đồng/người; bình quân lương thực đầu người gần 500kg/năm. Số hộ nghèo toàn xã đến năm 2020 là 188 hộ (chiếm 17,22%) giảm 57 hộ (5,6%) so với năm 2019. Đến nay xã Mường Pồn được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM.

Không chỉ riêng xã Mường Pồn, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Điện Biên đã lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình, ủng hộ. Kết quả của chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện ổn định, bền vững; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, chất lượng cuộc sống Nhân dân các dân tộc được nâng cao. Đến tháng 4/2021, toàn huyện có 14/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; tiêu chí đạt bình quân 16,6 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm; bình quân lương thực đầu người đạt gần 800kg/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm giảm mạnh, từ 29,03% (năm 2015) xuống còn 10,69% (năm 2020).

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện Điện Biên cơ bản đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Đến nay huyện đã đạt 7/10 tiêu chí và 10/15 chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng huyện NTM theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Điện Biên cơ bản đạt chuẩn NTM vào năm 2025; có 21/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu tại các xã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2016 - 2020 mỗi xã có 50% số thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; các xã còn lại có trên 60% thôn, bản đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới huyện Điện Biên xác định mục tiêu cốt lõi của trong xây dựng NTM là đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng các tiêu chí; trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn. Đồng thời, tập trung rà soát, đánh giá lại các hợp phần, hạng mục của chương trình, qua đó có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách, không chạy theo thành tích; lựa chọn mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn huyện; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân; lồng ghép linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn; chú trọng xây dựng liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top