Sự thật đằng sau “Vương quốc Mông” tại Mường Nhé

00:00 - Chủ Nhật, 16/08/2015 Lượt xem: 46253 In bài viết
ĐBP - Từ cuối 2010, qua đấu tranh với nhóm đối tượng Tráng A Chớ - một trong các chân rết làm tay sai cho phản động ngoại quốc đã bị bắt giữ, Công an tỉnh Điện Biên tiếp tục phát hiện nhóm đối tượng Vàng A Ía ở bản Nậm Mỳ (Mường Toong, Mường Nhé) có chủ trương tiến hành gây rối, lập “Vương quốc Mông”. Sau thời gian dài chưa “chọn” được giờ vàng, nhân lúc cả nước đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2011, nhóm đối tượng Vàng A Ía giở trò bằng hoạt động xưng, đón vua. Chúng lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý và điện thoại di động để tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông từ các nơi kéo về tụ tập tại bản Huổi Khon (Nậm Kè, Mường Nhé) để "Xưng vua - lập Vương quốc Mông". Tuy nhiên, mọi hoạt động của chúng đều rơi vào tầm ngắm của cơ quan công an. 

Do bị ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền của các đối tượng trên, trong những ngày trung tuần tháng 4, một lượng lớn đồng bào Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, thậm chí Đăk Lăk, Đăk Nông… và từ các huyện trong tỉnh di cư vào Mường Nhé. Nhiều hộ gia đình ở các huyện Mường Nhé, Mường Chà bỏ cả lao động sản xuất, bán tống bán tháo tài sản, tích trữ lương thực, đèn pin, xăng dầu, vải bạt, mà như bị tuyên truyền là để sử dụng khi có… chiến tranh (!?). Đặc biệt từ ngày 30/4 - 6/5/2011, đã có khoảng 7.000 người Mông ồ ạt kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè tụ tập. Bọn phản động dựng sẵn 300 lều, lán bằng bạt để từng hộ dân vào ở, lập barie tại hai đầu bản Huổi Khon và bố trí người canh gác, khiến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Thời tiết vào thời điểm đó (năm 2011) diễn biến bất thường trong hơn 2 tuần kể từ thời điểm manh nha có người Mông di chuyển đến Huổi Khon theo lời phỉnh lừa của nhóm đối tượng Vàng A Ía. Mà trong số 7.000 người, số manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng thi hành công vụ chỉ chiếm trên dưới 200. Còn lại là người già và trẻ con.

Luận điệu của Vàng A Ía và đồng bọn là bà con cứ yên tâm đến Huổi Khon, sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng đám mây (!?) bốc tất cả đến một nơi ấm no, hạnh phúc, một miền đất hứa. Chưa hết, đám đối tượng Vàng A Ía còn hù dọa, đến ngày 21/5/2011 cả thế giới sẽ chìm ngập trong trận đại hồng thủy trừ… vùng đất hứa. Và thế là tất cả người Mông xấp ngửa tụ về miền đất hứa Huổi Khon, hay chính xác hơn là chờ đón sự xuất hiện của vua đến để đưa đến ngôi nhà riêng cho người Mông…

Rõ ràng đồng bào Mông bị lừa phỉnh. Họ được rỉ tai là đến đây đón nhận sự xuất hiện của thế lực siêu nhiên. Con người sẽ được tới miền đất hứa - nơi có sự giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Nhưng đến nơi thì luận điệu bỗng quay ngoắt 180 độ. Thay vì chờ đợi thế lực siêu nhiên nào đón đưa đi, thì họ lại được thông báo là chờ ở Huổi Khon để đón một ông vua có tên là Vàng A Ía có tuổi đời chưa đến 30. Hai sự việc trái ngược nhau (!?) Vua về sẽ thành lập một vương quốc riêng. Tất cả sẽ được xây nhà thờ và được làm lễ. Vua về sẽ cho mỗi gia đình 80 đến 100 triệu đồng. Nhưng trước khi được Vua cho tiền thì họ phải nộp một khoản tiền đại loại như là hội phí tham gia là 3 triệu đồng. Nhiều người đã bán nhà, bán cửa, bán đồ đạc ruộng nương trâu bò để đến vùng đất hứa này. Nhưng cho đến ngày 6/5/2011, ngày mà họ tin ông vua sẽ đến cuối cùng đã không đến. Chỉ có công an, biên phòng, quân đội đến giúp đỡ họ về nhà bằng tình cảm chân thành mà thôi…

Thượng tá Sùng A Lềnh, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé kể lại cảnh tượng lúc các lực lượng chức năng tới tuyên truyền, thuyết phục và giải tán đám đông Huổi Khon. Gần 7.000 con người sinh hoạt khép kín trên bãi đất chưa đầy km2, người lâu nhất gần 20 ngày, ngắn nhất là 1 tuần trong điều kiện thời tiết bất thường cùng điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt làm dịch bệnh lan nhanh, 1 trẻ bị chết. Chúng đẩy họ vào Huổi Khon, quay phim chụp ảnh làm tư liệu và nhanh chóng rút khỏi địa bàn chỉ sau 2-3 ngày, trốn ra nước ngoài để nhận thù lao và nhận nhiệm vụ mới.

Công an huyện Mường Nhé phối hợp với các lực lượng, ban ngành đoàn thể đưa các đối tượng tham gia hoạt động “Vương quốc Mông” ra kiểm điểm.

Qua đấu tranh, Công an tỉnh xác định làm rõ vai trò, vị trí của từng đối tượng trong tổ chức và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của nhóm 6 cánh; đã khởi tố, bắt giam những đối tượng cầm đầu, tích cực hoạt động với các tội danh khác nhau. Đồng thời đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các lực lượng đứng chân trên địa bàn mở đợt tấn công chính trị, kiểm điểm giáo dục răn đe 21 đối tượng hoạt động lập "Vương quốc Mông", tổ  chức 52 buổi họp dân ở tất cả 14/14 bản, với 3.622 lượt người tham gia để tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc, các quy định của pháp luật và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xấu; tranh thủ 254 lượt người có uy tín tham gia vào công tác vận động quần chúng, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện tình hình tại địa bàn ổn định, nhân dân đều yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Huyện Mường Nhé được Chính phủ xây dựng Đề án 79 với mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn đến năm 2015. Theo đề án, 31 bản được quy hoạch di chuyển đến nơi ở mới, trong đó có 23 điểm bản, với 833 hộ chuyển đổi tập quán sản xuất từ cây lương thực sang trồng các loài cây công nghiệp và trồng rừng sản xuất. Cụ thể, sẽ có 9 điểm bản trồng cà phê, 12 điểm bản trồng cao su, 2 điểm bản trồng rừng sản xuất. Đề án cũng đề xuất kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hỗ trợ gạo trong những năm đầu chưa có sản phẩm để nhân dân chuyển đổi canh tác...

Năm 2015, tiếp tục thực hiện chủ trương “bám cơ sở, ở gần dân”, cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh tăng cường công tác vận động quần chúng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để cảm hóa, giáo dục những người đang bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo... Thiếu tá Pờ Pờ Sơn, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé  cho hay: Để làm được công việc này thì phải hiểu dân, tìm những vướng mắc trong đời sống, tâm tư, tình cảm của họ để từng bước giải tỏa tâm lý, bảo đảm hoạt động bình thường theo pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Nhiều người sau một thời gian được vận động đã nhận ra hoạt động sai trái của mình, tự điều chỉnh hành vi và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Ba cùng” với đồng bào để được sống trong lòng dân nghe tưởng như đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng gì đối với bất cứ ai và đối với các cán bộ Công an cũng vậy.

Trước diễn biến phức tạp về hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo Thiên chúa, Tin lành vào vùng dân tộc thiểu số, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động chỉ đạo với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức điều tra, nắm chắc âm mưu của các thế lực thù địch. Biện pháp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, để bà con hiểu được luận điệu tuyên truyền phản cách mạng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các thế lực thù địch và hoạt động của số đối tượng cầm đầu, truyền đạo trái pháp luật trên địa bàn. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, triển khai thực hiện nhiều kế hoạch về công tác quản lý hoạt động tôn giáo; đồng thời chỉ đạo, huy động các ngành, các lực lượng cùng tham gia tuyên truyền,vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo, từng bước đưa hoạt động tôn giáo vào quản lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, tuyên truyền đạo trái phép; tác động, hướng lái những đối tượng cầm đầu đạo sinh hoạt tôn giáo thuần túy theo quy định của pháp luật và tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Bài, ảnh: Nguyễn Ngọc Trường

(Công an huyện Mường Nhé)

Bình luận
Back To Top