Đi khám bệnh 123 lần trong 4 tháng để trục lợi bảo hiểm

15:26 - Thứ Tư, 24/05/2017 Lượt xem: 6691 In bài viết
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống kê trong 4 tháng đầu năm có gần 2.800 người đi khám bệnh có bảo hiểm từ 50 lần trở lên, người khám nhiều nhất là 123 lần.

Ngày 23-5, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết phát hiện nhiều trường hợp trục lợi qua khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 4 tháng đầu năm. Một bệnh nhân nữ thuộc diện bảo trợ xã hội tại TP Hồ Chí Minh khám 57 lần tại 13 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 40 triệu đồng. Người này thường xuyên đi khám 2 đến 3 lần một ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện ở TP Hồ Chí Minh. Bà được chỉ định nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh xương khớp, tiết niệu, mắt, tai mũi họng, phổi, viêm xoang, thần kinh, hen...

 

Một bệnh nhân khác tại Sóc Trăng từ ngày 1-7-2016 đến 20-5-2017 đi khám bệnh 215 lần. Từ đầu năm 2017 đến nay người này khám 114 lần, chỉ tính riêng số tiền điện châm điều trị đau lưng đã trên 16 triệu đồng.

Một người hưu trí khác cũng khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 31 triệu đồng. Mỗi ngày, người bệnh này đi khám tại 2-3 cơ sở y tế, được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp... Ví dụ, ngày 9-1 người này lĩnh thuốc Simbicort 2 tub tại 2 cơ sở khám chữa bệnh, ngày 3-3 lĩnh Aprovel 28 viên, 3 ngày sau nhận tiếp 14 viên thuốc này. Ngày 4-4 người bệnh này lĩnh thuốc Procaralan 7.5mg 28 viên, 3 ngày sau nhận tiếp 15 viên, một ngày sau tiếp tục 60 viên. Sang tháng 5, người này cũng lĩnh thuốc 2 lần với số thuốc là 88 viên Procaralan 7.5mg.

Thống kê cho thấy gần 2.800 người đi khám bệnh có bảo hiểm từ 50 lần trở lên trong 4 tháng đầu năm với 160.374 lượt, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ tết.

Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, phân tích dữ liệu toàn quốc cũng bước đầu phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, áp sai giá dịch vụ...

Đơn cử, khi phẫu thuật thay thủy tinh thể một mắt đơn thuần, người bệnh chỉ cần nằm viện 1-3 ngày (không có biến chứng). Tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa thời gian nằm viện là 7,1 ngày, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên là 6,3 ngày, Bệnh viện Mắt Sơn La là 7,5 ngày. Chênh lệch tiền giường hơn 1,9 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh đang tổ chức giám định, phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường kiểm soát thông tuyến, xử lý các trường hợp lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top