Chặn đứng “vòi bạch tuộc” tín dụng đen

15:36 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 6297 In bài viết

Hoạt động “tín dụng đen” thời gian qua đã làm điên đảo không ít cá nhân, gia đình. Khốn khổ thay những người trót dính vào các đường dây này. Chỉ với một số tiền vay nhỏ, nếu con nợ không trả đúng hạn, món nợ sẽ nhanh chóng phình lên gấp nhiều lần. Nếu chây ì không trả, lập tức sẽ có một đội quân “ưng, khuyển” đến tróc nợ bằng những thủ đoạn lạnh lùng, tàn nhẫn... Hơn lúc nào hết, những đường dây này cần phải bị chặn đứng.

“Tín dụng đen” gây án

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, trong thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh các ổ nhóm côn đồ, còn xuất hiện một số công ty “thu hồi nợ”, lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp để hoạt động phạm pháp. Các thủ đoạn của chúng rất tinh vi, xảo quyệt, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm, tinh thần... của người dân. Có những đối tượng đi đòi nợ đã sử dụng vòng hoa, ném chất bẩn vào nhà con nợ để khủng bố, uy hiếp tinh thần, tính mạng của người dân nhằm ép phải trả nợ.

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ án như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng... trên địa bàn nhiều quận, huyện. Tất cả đều có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đơn cử, đêm 5-7-2018, anh Lê Văn D. (48 tuổi, trú tại Đa Tốn, Gia Lâm) đến nhà Nguyễn Văn K. (24 tuổi, trú tại Đào Xuyên, Gia Lâm) để đòi số tiền gần 30 triệu mà K. vay trước đó. Tại đây hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, K. dùng dao chém vào hai tay anh D. làm đứt gân, xương ngón tay út, rách da nhiều ngón tay khác. Anh D. được nhân dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108.

 

Công an Hà Nội tăng cường quản lý các hiệu cầm đồ.

Ngày 7-7-2018, anh P.A.T. (40 tuổi, trú tại khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang đứng ở sân chơi nhà T2, khu đô thị này, thì bất ngờ bị hàng chục đối tượng “đầu gấu” bao vây. Chúng xông vào đấm đá rồi ép anh lên xe máy di chuyển về phố Vân Hồ 3 (Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).

Tại đây, đối tượng T.A.T. (46 tuổi, trú tại Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng) tiếp tục đánh anh Tuấn, bắt anh phải trả mỗi ngày 2 triệu đồng. Theo bị hại trình báo, năm 2016 P.A.T. có vay của T.A.T. số tiền khoảng 180 triệu đồng, với lãi suất 10 ngàn đồng/1 triệu/ngày. Từ tháng 9-2017 đến nay, anh P.A.T. không có tiền trả nợ và bị T.A.T. thông báo tiền vay và lãi là hơn 400 triệu đồng (tổng nợ lên tới 587 triệu đồng), bắt anh phải trả kỳ hết mới thôi.

Trước đó, đêm ngày 28-6-2018, do mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền, nhóm đối tượng gồm Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đức Phụng, Lê Hải Nam... rầm rập kéo đến khu liền kề ngõ 67 Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm) tìm gặp con nợ. Khi gặp anh Hoàng Văn G. (59 tuổi) và chị Phạm Thị H. (47 tuổi) đang ngồi tại nhà ở Lô 10A1, nhóm này đã xông vào đấm đá khiến anh G. và chị H. bị thương. Các đối tượng cũng ép anh G. viết một giấy vay nợ 50 triệu đồng, đồng thời khuân đi ti vi, tủ lạnh, bàn ghế, cùng dây chuyền vàng, nhẫn vàng của hai anh chị.

Trước sự “lộng hành” của các đường dây “tín dụng đen”, Cơ quan công an đã có nhiều biện pháp điều tra, trấn áp. Tháng 6-2018, Công an huyện Đông Anh đã bóc gỡ một ổ nhóm “tín dụng đen” tổ chức cưỡng đoạt tài sản của người dân trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội).

Ổ nhóm này do đối tượng Ngô Thành Trung (34 tuổi, trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) cầm đầu. “Dịch vụ tài chính” của Trung được núp dưới biển hiệu “Kinh doanh sim số đẹp” tại chợ Phù Khê Thượng, phường Phù Khê (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) thực chất là chuyên cho vay nặng lãi. Trung thuê một số đối tượng có tiền án tiền sự làm nhân viên đi “thu nợ”. Bọn chúng thống nhất khi người vay nợ quá hạn chưa trả tiền sẽ tìm đến tận nhà hoặc nhà người thân để uy hiếp, gây sức ép buộc phải trả nợ.

Đầu năm 2018, chị Phạm Thị Q. trú tại thôn Châu Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) liên hệ với Ngô Thành Trung vay 100 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/ 1 triệu đồng/ 1 ngày, cắt lãi 1 tháng trước (có nghĩa là vay 100 triệu đồng, người vay chỉ được nhận 85 triệu đồng và phải viết giấy vay nợ 120 triệu đồng).

 

Không ít người dân sa bẫy “tín dụng đen” khi gọi vào các số điện thoại này.

Để hợp thức hóa việc cho vay lãi suất cao, Trung yêu cầu chị Q. viết giấy biên nhận mua bán xe máy với Trung. Đến hẹn trả lãi, chị Q. xin khất nợ nhưng bị Trung từ chối và nhiều lần điện thoại, nhắn tin ép buộc phải trả nợ.

Sau đó, do chị Q. quá hạn chưa trả tiền lãi và gốc được nên Trung cùng đồng bọn nhiều lần đến nhà chị Q. gây sức ép, bắt phải trả nợ tiền. Bọn chúng đánh đập chồng chị Q., rồi đập phá tài sản của gia đình chị Q. Có lần chúng đến nhà không gặp chị Q. đã đánh chị dâu của chị Q. rất dã man.

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của gia đình chị Q., cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra, bắt 7 đối tượng gồm Ngô Thành Trung, Đỗ Đức Hậu (25 tuổi), Lê Văn Quân (28 tuổi) và Nguyễn Phùng Hưng (34 tuổi), đều trú tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội); Nguyễn Trung Chiến (19 tuổi, trú tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa); Ngô Xuân Thăng (32 tuổi, trú tại phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Nguyễn Văn Hưng (18 tuổi, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trong nhóm này, Trung, Hậu, Quân và Hưng đều đã có tiền án, tiền sự với các tội danh “Đánh bạc”, “Cướp tài sản”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Xâm hại sức khỏe của người khác”.

Gần đây nhất, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đã tổ chức đấu tranh, bóc gỡ một đường dây chuyên kinh doanh “tín dụng đen” trên địa bàn quận. Đó là ổ nhóm do đối tượng Lê Thị Quý (36 tuổi, trú tại Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cầm đầu.

Theo tài liệu điều tra của Cơ quan công an, Quý vốn là chủ cơ sở kinh doanh “Tài chính HTQ” tại phường Phú Lãm (quận Hà Đông). Để điều hành đường dây, Quý thu nạp 4 đối tượng “có máu mặt” chuyên việc đi thu nợ, siết nợ. Bất cứ con nợ nào tỏ ra chây ỳ đều bị Quý sai đám đàn em đến “xử”, ép cho “lòi phở” ra thì thôi. Chị Phạm Thị T. (36 tuổi, trú tại Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong số đó.

Giữa năm 2016, chị T, có vay Quý 20 triệu đồng, với lãi suất 4.000 đồng/ 1 triệu/ 1 ngày, thu lãi 10 ngày 1 lần. Do làm ăn bết bát, chị T. chỉ trả được tiền lãi cho Quý đến đầu năm 2017 thì mất khả năng chi trả. Quý và đồng bọn đã khống chế, ép chị T. ký 3 giấy vay nợ. Sau đó chúng còn bắt chị T. mở túi kiểm tra tài sản (khi đó trong túi chị T. có 11 triệu đồng - là tiền vốn để làm ăn của chị T.). Quý liền “tịch thu” 8 triệu đồng của chị T. cùng giấy tờ rồi mới thả cho chị về.

Phát hiện hành vi của các đối tượng, Ban chỉ huy Công an quận Hà Đông đã tổ chức lực lượng kiểm tra hành chính sơ sở của Lê Thị Quý và yêu cầu các đối tượng về trụ sở công an làm việc. Tại cơ quan Công an, Quý và 3 nhân viên đã khai nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản của chị T. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng trên về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Kiên quyết bóc gỡ

Trong Hội nghị giao ban chấn chỉnh, rút kinh nghiệm việc thực hiện Kế hoạch 231 được Công an TP Hà Nội tổ chức tháng 7-2018 vừa qua, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP đánh giá, bên cạnh những đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm thì vẫn còn những cá nhân, đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt với công việc. Kết quả điều tra xử lý những vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, đe dọa đổ chất bẩn, đòi nợ thuê chưa cao.

Báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn cho thấy hiện công tác triển khai đấu tranh, phòng ngừa những cơ sở, đối tượng có nghi vấn của một số đơn vị công an quận, huyện, thị xã còn yếu. Một số đơn vị công an quận, huyện, thị xã còn chưa thực sự gắn kết với thực tiễn địa bàn.

 

Nhóm đối tượng chuyên đòi nợ thuê trong đường dây “tín dụng đen” của Lê Hải Nam.

Trước thực trạng “tín dụng đen” hoạt động ngày càng phức tạp, Công an TP Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá một phần nguyên nhân là do nhiều đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch 231 mang tính hình thức; một số CBCS quản lý địa bàn, chỉ huy thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu làm ngơ, bao che. Các đơn vị mới chỉ dừng lại ở mức độ thống kê, hiệu quả quản lý, triệt xóa án về “tín dụng đen” chưa cao.

Trong các giải pháp xử lý bóc gỡ những ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã phải tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở xóa những quảng cáo cho vay nợ; tổ chức tổng kiểm tra các cửa hiệu cầm đồ, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cảnh báo người dân nhận thức được tác hại, nguy hiểm của hoạt động “tín dụng đen”.

Được biết, vừa qua, lực lượng cảnh sát hình sự Công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận huyện, thị xã; đặc biệt là các phường tổ chức điều tra cơ bản, lên danh sách toàn bộ các ổ nhóm băng nhóm hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”, lập hồ sơ quản lý từ cơ sở. “Căn cứ vào tài liệu điều tra và hành vi vi phạm của các đối tượng, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý không khoan nhượng đối với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”” - Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top