Phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người

09:28 - Thứ Sáu, 18/01/2019 Lượt xem: 9597 In bài viết

ĐBP - Dù đã chủ động trong công tác phòng ngừa, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; song do tâm lý nhẹ dạ cả tin và một phần do tác động của các phong tục tập quán nên vẫn nhiều nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Nếu như năm 2016 số vụ mua bán người được phát hiện và điều tra làm rõ là 14, thì đến năm 2017 là 15 vụ và năm 2018 số vụ được phát hiện điều tra, làm rõ giảm mạnh, còn 4 vụ.

 

Hội LHPN tỉnh tập huấn truyền thông phòng, chống mua bán người cho hội viên xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo).

Ðại tá Dương Quốc Hoàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Ðịa bàn xảy ra tội phạm tập trung tại khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc các huyện: Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Nậm Pồ… Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua bán người trên địa bàn tỉnh không mới, vẫn là lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để lừa đưa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân đi khỏi địa bàn lên các tỉnh biên giới rồi đưa qua biên giới bán cho các đối tượng người Trung Quốc. Thay vì tiếp cận trực tiếp thì vài năm gần đây ngày càng nhiều hơn đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội, như: zalo, facebook… để liên lạc, làm quen với nạn nhân. Sau đó nhờ các đối tượng quen biết trên địa bàn đưa nạn nhân lên khu vực biên giới. Ðiều này giúp đối tượng hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nạn nhân và xu hướng tiếp cận này ngày càng được các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều khiến cho công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân, điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người nảy sinh. Trong khi các vụ án mua bán người trên địa bàn chủ yếu là mua bán sang Trung Quốc, nhiều vụ chỉ được phát hiện sau khi nạn nhân đã bị đưa qua biên giới, đối tượng phạm tội thường đưa nạn nhân sang Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh khác nên công tác xác minh, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn do việc trao đổi, đề nghị phối hợp với công an nước bạn phải thông qua nhiều đơn vị trung gian, thời gian kéo dài.

Chủ công trong phòng, chống tội phạm mua bán người, lực lượng công an đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người thông qua các buổi họp tổ dân phố, họp thôn, bản… tại các địa bàn dân cư. Riêng trong năm 2018, đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền thu hút hàng nghìn người tham gia; tổ chức tập huấn tại các xã trọng điểm về mua bán người cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân; duy trì 28 hòm thư tố giác tội phạm tại các địa bàn trọng điểm, góp phần nhanh chóng tiếp cận, giải quyết các tin báo, tố giác có liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động, các lực lượng chức năng liên tục xác lập chuyên án, kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người. 100% các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người được các lực lượng chức năng (công an, bộ đội biên phòng là nòng cốt) áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, quản lý chặt chẽ và phát hiện, ngăn chặn tội phạm kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị đã phối hợp giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ 138 trường hợp, trong đó: 51 trường hợp là nạn nhân trong các vụ án mua bán người (41 nạn nhân được giải cứu, 10 nạn nhân tự trở về), 87 trường hợp nước ngoài trao trả (trong đó 29 trường hợp được cấp giấy chứng nhận là nạn nhân bị mua bán); khởi tố 33 vụ, 69 đối tượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã điều tra làm rõ 33 vụ, bắt giữ 69 đối tượng về hành vi mua bán người, làm rõ 60 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài… Và với 100% các trường hợp là nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, giải cứu trở về đều được hưởng đầy đủ các chế độ và hỗ trợ đúng quy định (hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế; miễn, giảm học phí, chi phí hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu…). Sau khi trở về địa phương được chính quyền cơ sở nơi cư trú phối hợp cùng ngành chức năng quản lý, theo dõi và tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nạn nhân bị mua bán trở về đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục... Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người.

Chính vì vậy, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác phòng chống mua bán người; cần huy động sự tham gia hỗ trợ tích cực, hiệu quả của người dân trong việc triển khai các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hướng dẫn, trang bị đầy đủ kỹ năng để chủ động ứng phó cho các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán. Tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa mua bán người để hạn chế nguyên nhân, điều kiện và các nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ cao; từng bước kiềm chế và làm giảm sự gia tăng tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán người ra nước ngoài.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận
Back To Top