Biến tiêu hủy ngà voi trở thành thông lệ tại Việt Nam

09:47 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 9544 In bài viết

Công tác đấu tranh xử lý tội phạm về ngà voi tại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt,  nhiều vụ án liên quan đến một số lượng lớn ngà voi, các cấp tòa án đã ra quyết định tiêu hủy tang vật.

Việc tiêu hủy ngà voi không chỉ là bước đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về voi mà còn góp phần vào “tuyên ngôn chung” bảo vệ loài voi của hàng chục quốc gia trên thế giới.

Tháng 11-2016, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội. Đây là một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xử lý các tang vật là ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển và buôn bán trái phép. Sau sự kiện này, đầu năm 2017, cơ quan chức năng thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi – sau khi Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai ra quyết định tiêu hủy tang vật.

 

Lần đầu tiên Việt Nam tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi.

Bên cạnh Lào Cai, trong tất cả các vụ án có tang vật ngà voi được các cấp Tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, Tòa án các cấp tại Hà Nội đều tuyên tiêu hủy toàn bộ số ngà voi thu giữ trong mỗi vụ án.

Điển hình là quyết định tiêu hủy gần 1 tấn ngà voi tang vật trong một vụ bắt giữ ngà voi tại Thường Tín được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào tháng 3-2019 vừa qua. Những quyết định tiêu hủy ngà voi của Lào Cai, Hà Nội đã nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức bảo tồn và dư luận, là hình mẫu để các địa phương khác có những động thái tương tự với tang vật ngà voi.

Sự kiện tiêu hủy tập trung 2,1 tấn ngà voi cuối năm 2016 là một sự khởi đầu đáng tự hào. Vì vậy, hoạt động tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ và được tiếp nối bằng các hành động quyết tâm tiếp theo. Theo quan điểm của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), việc thu giữ ngà voi chưa phải là đích đến cuối cùng của mỗi vụ bắt giữ.  

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 tới nay, ENV đã ghi nhận nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm ĐVHD qua các sân bay, hải cảng với tổng khối lượng tang vật bị thu giữ lên đến hàng chục tấn.

Việc bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm trong những năm qua là tín hiệu tích cực đóng góp vào nỗ lực chung triệt phá các đường dây tội phạm về ĐVHD. Bên cạnh đó, ENV cho rằng, việc quan tâm, xử lý tang vật liên quan tới các vụ án này cũng vô cùng cần thiết. ENV đề xuất Việt Nam cần tiến hành tiêu hủy tang vật ngà voi, sừng tê giác thường niên để khẳng định cam kết của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn voi, tê giác toàn cầu”.

Một số ý kiến cho rằng việc tiêu hủy ngà voi là một hành động lãng phí vì giá trị đặc biệt lớn và số lượng ngà này có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như giảm việc tiếp tục sát hại voi tại châu Phi. Tuy nhiên, việc buôn bán ngà voi tịch thu trong các vụ bắt giữ không những trái với quy định của pháp luật quốc tế mà còn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và sử dụng ngà voi và do đó càng đẩy các loài voi châu Phi đến bờ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, chi phí lưu giữ, bảo quản hàng chục tấn ngà voi tang vật là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Chưa kể đến một số hiện tượng tiêu cực đã và có khả năng tiếp tục xảy ra trong công tác bảo quản ngà voi.

Vụ án hai đối tượng lợi dụng chức vụ được giao quản lý kho tang vật ngà voi để chiếm đoạt 239,57kg ngà voi và 6,14 kilogram sừng tê giác nhằm thu lời bất chính lên đến 3 tỷ đồng do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vào tháng 8-2018 hay vụ trộm hơn 100kg ngà voi trị giá 5 tỷ đồng là tang vật được cất giữ trong kho của Chi cục thi hành án thành phố Vinh xảy ra cuối năm 2013, là những hồi chuông cảnh báo cho thấy rủi ro của việc lưu giữ một số lượng lớn tang vật ngà voi, sừng tê giác thu giữ trong các vụ vi phạm.

Như vậy, việc tiêu hủy các tang vật là ngà voi và sừng tê giác không chỉ góp phần quan trọng trong việc triệt phá các đường dây tội phạm mà còn ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt các tang vật này. Đồng thời, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác sẽ giúp giảm thiểu hàng chục tỷ đồng chi phí hàng năm cho việc lưu giữ tang vật.

“Tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN, phục vụ giáo dục – đào tạo hay nghiên cứu khoa học”, bà Hà cho biết thêm.

Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 - BLHS) đã có hiệu lực trong đó quy định cụ thể các chế tài đối với vi phạm liên quan đến ngà voi và sừng tê giác. Theo đó, hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi từ 2kg trở lên (bất kể loài voi) đã đáp ứng dấu hiệu định tội theo quy định tại Điều 244 BLHS. Mức phạt tối đa cho vi phạm liên quan đến ngà voi cũng lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân và 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tổ chức.

 

Trên thế giới, nhiều nước cũng chọn cách tiêu hủy ngà voi để thể hiện cam kết chống lại tội phạm về ĐVHD nói chung và voi nói riêng. Theo thống kê, tính đến nay, đã có gần 300 tấn ngà voi bị tiêu hủy tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Các nước Đông Nam Á cũng không nằm ngoài làn sóng này khi Myanmar tiêu hủy 277 ngà voi năm 2018, Malaysia cũng vừa tiêu hủy 4 tấn ngà voi vào đầu tháng 5 năm nay. Trong khi đó, Singapore cũng tuyên bố sẽ tiêu hủy sau khi bắt giữ 8,8 tấn ngà voi đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam từ Cộng hòa dân chủ Congo vào năm nay.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top