Nhiều vướng mắc trong công tác lập hồ sơ đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc

09:12 - Thứ Sáu, 16/08/2019 Lượt xem: 19236 In bài viết
ĐBP - Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ liên quan hướng dẫn về công tác lập hồ sơ đưa người vào trường giáo dưỡng (TGD), cơ sở giáo dục bắt buộc (CSGDBB), Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều công văn, điện chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định. Sơ kết 5 năm (2014 - 2018) thực hiện công tác lập hồ sơ đưa người vào TGD, CSGDBB, Công an tỉnh đã lập hồ sơ và đề nghị Tòa án Nhân dân cấp huyện ra quyết định áp dụng đối với 574 người. Trong đó đã thi hành quyết định đưa vào TGD 18 trường hợp và đưa vào CSGDBB 556 trường hợp. Có thể nói, công tác lập hồ sơ đưa người vào TGD, CSGDBB đã góp phần hiệu quả trong phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc, chủ yếu do các quy định của luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng.

Thiếu tá Vũ Duy Hồng, Ðội phó Ðội đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh), cho biết: Một số quy định còn chồng chéo đã gây khó khăn cho công tác lập hồ sơ. Theo quy định của Luật Xử lý VPHC thì biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong những điều kiện để áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB. Tại Khoản 3, Khoản 5, Ðiều 90 Luật Xử lý VPHC quy định điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là: “2 lần trở lên trong 6 tháng” có hành vi vi phạm và bị xử phạt VPHC. Như thế có nghĩa từ lần vi phạm thứ hai là có thể lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nhưng tại Khoản 1, Khoản 2, Ðiều 16 Nghị định số 81/2013/NÐ-CP quy định: “ít nhất 2 lần bị xử phạt VPHC về các hành vi vi phạm trong 6 tháng”. Còn tại Khoản 3, Ðiều 4, Thông tư số 48/2014/TT-BCA của Bộ Công an thì: Trong 6 tháng bị xử phạt VPHC 2 lần, nếu tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính từ lần thứ 3 trở đi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không ra quyết định xử phạt hành chính tại lần vi phạm này mà lập biên bản vi phạm và lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn... Về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB theo quy định của Luật Xử lý VPHC là: 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 5, Nghị quyết số 04/2015/NQ-HÐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và tại Ðiểm b, Khoản 2, Ðiều 11, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì lại quy định: Vi phạm lần thứ 3 trong 6 tháng. Những quy định khác nhau như vậy khiến cho các địa phương lúng túng, chưa có sự thống nhất trong thực hiện.

Một vướng mắc nữa là trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm do cơ quan công an cấp huyện hoặc công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào TGD (theo quy định tại Ðiều 92) hoặc thuộc đối tượng đưa vào CSGDBB (theo quy định tại Ðiều 94 của Luật Xử lý VPHC) thì cơ quan công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD hoặc CSGDBB đối với người đó. Tuy nhiên Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn lại không quy cụ thể việc giao đối tượng bị lập hồ sơ cho gia đình, tổ chức quản lý trong quá trình lập hồ sơ sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam (nếu có) thuộc về đơn vị và cấp nào.

Bên cạnh đó, theo quy định, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp đến cơ quan lập hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ. Nhưng thực tế, người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp thường không đến, gây nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị. Trong khi quyết định đưa người vào TGD, CSGDBB có hiệu lực thi hành sau 3 ngày, nhưng Luật Xử lý VPHC không quy định cụ thể việc tạm giữ hành chính đối với người bị áp dụng đưa vào TGD, CSGDBB. Ðây chính là kẽ hở để đối tượng lợi dụng bỏ trốn.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan: Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát để thống nhất phương án, giải pháp trên cơ sở các quy định của pháp luật để thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đưa người vào TGD, CSGDBB. Thực hiện tốt công tác trao đổi thông tin, tích lũy hồ sơ, củng cố tài liệu; hạn chế thấp nhất đối tượng đã có quyết định nhưng bỏ trốn khỏi địa bàn. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã lập hồ sơ đưa 67 đối tượng vào CSGDBB, 3 đối tượng vào TGD (đạt 58,3% chỉ tiêu đề ra). Kết quả này là sự nỗ lực lớn của cơ quan công an và sự phối hợp của các ngành liên quan. Song những vướng mắc kể trên chưa sớm được khắc phục thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top