Cảnh giác với hình thức lừa đi lao động “chui”

09:08 - Thứ Tư, 20/11/2019 Lượt xem: 9979 In bài viết

ĐBP - Không đi lao động theo các hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp mà bằng hình thức đi “chui”, do các đối tượng lạ giới thiệu, chiêu mộ; vì thế, người lao động “chui” ở huyện Mường Nhé đang gặp những vấn đề bất cập khi đi lao động ở Trung Quốc, như: Lương thấp, công việc, địa điểm làm việc không như giới thiệu ban đầu… Riêng năm 2019, trên địa bàn huyện Mường Nhé, tình trạng đi lao động “chui” có chiều hướng tăng lên, đặt ra lời cảnh báo cho chính quyền địa phương và các cấp, ngành trong việc tìm giải pháp tuyên truyền cho người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo ở vùng cao.

Lực lượng công an và biên phòng huyện Mường Nhé tuyên tuyền để người dân vùng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo lao động “chui”.

Chúng tôi đến bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) theo sự giới thiệu của chính quyền địa phương là bản có nhiều lao động “chui”. Ðón tiếp chúng tôi, anh Thào A Phú, Trưởng bản Huổi Lắp chia sẻ: “Bản tôi năm trước (2018), số người vắng mặt không lý do ở địa phương, nghi đi lao động “chui” cao nhất trong huyện. Bản có 47 hộ người dân tộc Mông với 315 khẩu, thì có khoảng 40 hộ (cả vợ, chồng) vắng mặt tại bản vài tháng. Ðến cuối năm 2018, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc Mông họ mới tập trung trở về. Qua tìm hiểu, đa phần chúng tôi nhận được câu trả lời là họ đi lao động “chui” theo thời vụ tại Trung Quốc, do một số đối tượng, người quen đến chiêu mộ, giới thiệu, mời gọi.

Vợ chồng anh Sùng A Hờ và chị Lý Thị Mái là một trong những hộ dân ở bản Huổi Lắp từng đi lao động “chui” tại Trung Quốc đã trở về vài tháng nay. Khi mới lập gia đình và tách hộ, vợ chồng anh Hờ khá lúng túng trong sinh kế tại địa phương. Mảnh vườn nhỏ, vài con gà, vịt, với những mảnh lúa nương không giúp 5 miệng ăn trong gia đình đảm bảo sinh sống, vì vậy anh Hờ đã nghĩ tới việc đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Ðúng vào lúc kinh tế gia đình khó khăn, bấp bênh nhất, chúng tôi được một số người đến tận bản tuyên truyền, vận động đi lao động nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, theo hình thức đơn giản (lao động “chui”), giới thiệu, mô tả là công việc đảm bảo, thu nhập cao (từ 10.000 - 12.000 nhân dân tệ, tương đương với khoảng 30 - 40 triệu đồng), thủ tục làm đơn giản, không phải thông qua xác nhận của chính quyền địa phương và chỉ lao động theo thời vụ, vài tháng trở về là sẽ có một khoản tiền kha khá. Thấy hợp lý nên chúng tôi đã rủ vài hộ khác cùng đi”.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn khi theo các đối tượng đi lao động “chui”, anh Hờ đã nhận ra công việc lao động không đúng như mô tả, thời gian làm việc trong một ngày kéo dài và đặc biệt là thu nhập thấp hơn nhiều so với mức lương được các đối tượng giới thiệu trước đó. Sau vài tháng kết thúc công việc vợ chồng anh Hờ đã trở về địa phương; nhưng hiện nay, gia đình anh vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm hướng thoát nghèo.

Một trường hợp khác là chị H. ở bản Huổi Lắp cũng là nạn nhân của việc đi lao động “chui” theo lời giới thiệu từ những đối tượng lạ. Chia sẻ với chúng tôi, chị ngậm ngùi nói: “Ban đầu họ đến mời chào, giới thiệu việc lao động ở nước ngoài là trồng rau, nuôi nấm, thu hái nông sản... Nghe có vẻ hợp lý nên tôi mới quyết định đi làm. Nhưng không ngờ, sang bên kia (Trung Quốc) thì công việc không phải như vậy. Họ ép, họ bắt làm những việc không mong muốn, khiến tôi cảm thấy uất ức, tủi nhục. Rất may hết thời gian lao động, tôi đã được trở về địa phương, tôi mong rằng những người dân vùng cao, đặc biệt là phụ nữ như tôi cần tỉnh táo, không để các đối tượng lợi dụng lòng tin để lừa gạt”.

Trao đổi với bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Nhé, chúng tôi được biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Mường Nhé có 45 hội viên phụ nữ vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, nghi là đi lao động “chui”. Trong đó, xã Nậm Kè có 12 người, xã Sín Thầu có 1 người, xã Chung Chải có 2 người, xã Huổi Lếch 3 người, xã Mường Toong 1 người và đông nhất là xã Quảng Lâm với 26 người. Qua tìm hiểu từ gia đình của các hội viên phụ nữ thấy rằng, đa phần phụ nữ vắng mặt đều là đi lao động “chui” theo thời vụ ở Trung Quốc, do một số đối tượng đến mời gọi; sau khi vắng mặt, họ ít hoặc không liên lạc với gia đình và địa phương. Việc nhiều hội viên phụ nữ vắng mặt không lý do tại địa bàn huyện Mường Nhé ít xảy ra trong những năm trước đây. Vì thế chúng tôi rất lo ngại việc phụ nữ bị lừa đi lao động hoặc bán sang Trung Quốc với mục đích khác. Chúng tôi đã báo cáo chính quyền huyện, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng vào cuộc, nắm tình hình dư luận, chủ động tuyên truyền cho phụ nữ cảnh giác với các hình thức lừa đảo nói chung và lừa đi lao động “chui” nói riêng” - Bà Phạm Thị Hà cho biết.

Nói về lao động “chui”, ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Những năm gần đây, chính quyền và các đơn vị chức năng huyện Mường Nhé đã phát hiện một số đối tượng lạ thường lợi dụng bà con vùng cao có sự hạn chế về nhận thức, gia đình thuộc diện khó khăn để vận động họ đi lao động “chui” ở nước ngoài. Hình thức đi lao động “chui” có thuận tiện là thủ tục đơn giản, không phải học ngoại ngữ hay chờ đợi thủ tục như đi xuất khẩu lao động hợp pháp; thậm chí hôm nay vận động, mai có thể đi luôn, với những lời hứa hẹn về thu nhập cao. Nghe thấy thuyết phục, nhiều bà con đã bất chấp để đi lao động “chui”; có những trường hợp, đặc biệt là phụ nữ đi lao động chui đã bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay chưa thấy về.

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng người dân vắng mặt lâu tại địa phương, nghi đi lao động “chui” ở nước ngoài có chiều hướng gia tăng, rải rác ở các xã trong huyện có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, như: Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Nhé, Nậm Vì, Huổi Lếch... Qua khai thác từ những nạn nhân đi lao động “chui” đã trở về cho thấy, đa phần họ đều khẳng định là bị lừa, vì công việc lao động khá nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các chế độ bảo hiểm, thuốc men lại không có, đặc biệt hợp đồng lao động là thời vụ, không có cam kết chắc chắn về quyền lợi cho người lao động…

Ông Cà Văn Lả cho biết thêm: Hiện nay huyện chưa ký kết hình thức xuất khẩu lao động nào từ Mường Nhé sang Trung Quốc. Vì thế người lao động trên địa bàn huyện cần cảnh giác với những đối tượng đến mời gọi, giới thiệu đi lao động “chui” theo thời vụ tại Trung Quốc.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top