Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

15:10 - Thứ Sáu, 27/03/2020 Lượt xem: 9154 In bài viết

ĐBP - Tạo điều kiện để người dân tiếp cận pháp luật (TCPL), nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn các xã, phường, thị trấn… là những kết quả sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 619/QÐ - TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh.

Một buổi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Hết năm 2019, 3/3 xã, phường của TX. Mường Lay đều được công nhận đạt chuẩn TCPL với số điểm cao; kết quả đánh giá sự hài lòng đều đạt 100%. Theo ông Chui Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay, để đạt kết quả trên, Hội đồng đánh giá cấp xã thường xuyên tổ chức họp, đánh giá, báo cáo Hội đồng đánh giá thị xã kết quả cũng như những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Trong quá trình triển khai thực hiện 5 tiêu chí và 25 chỉ tiêu về TCPL, việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã, phường trên địa bàn được đổi mới theo hướng mỗi lần công dân đến giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ “Một cửa” phát phiếu xin ý kiến đánh giá sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân.... Nhờ vậy việc đánh giá các tiêu chí cơ bản phản ánh đúng thực tế.

Tại huyện Mường Chà, tính đến tháng 2/2020 có 11/12 xã, thị trấn đạt chuẩn TCPL. Cùng với hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, khai thác tủ sách pháp luật, việc thực hiện chuẩn TCPL còn được huyện tập trung triển khai thông qua công tác hòa giải cơ sở. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 124 tổ hòa giải với 590 thành viên; trung bình mỗi tổ có từ 5 - 7 hòa giải viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, hiểu biết về pháp luật và có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân. Ðể nâng cao chất lượng công tác hòa giải, một trong những hình thức hiệu quả được huyện Mường Chà chú trọng là tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” hàng năm. Hội thi góp phần phổ biến kiến thức pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai…

Theo quy định, để được công nhận đạt chuẩn TCPL, cấp xã phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí TCPL phải đạt từ 90% điểm tối đa trở lên đối với xã loại I, từ 80% trở lên đối với xã loại II và từ 70% trở lên đối với xã loại III; kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Với những tiêu chí trên, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tập trung quán triệt, triển khai các nội dung, quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL; thành lập Hội đồng đánh giá TCPL, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên hội đồng theo chức năng, nhiệm vụ. Ðồng thời, tăng cường đôn đốc các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL... Trong giai đoạn 2017 - 2019, UBND các cấp đã ban hành gần 500 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác xây dựng xã đạt chuẩn TCPL và phổ biến giáo dục pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, với vai trò là cơ quan tham mưu, ngoài tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, Sở Tư pháp đã biên soạn, in ấn và cấp phát 7.000 tờ gấp pháp luật, 270 cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh... Ðến tháng 2/2020 toàn tỉnh đã có 92/126 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, chiếm tỷ lệ 73%.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL và 100% xã đạt tiêu chí TCPL trước khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì kết quả đạt chuẩn pháp luật với tỷ lệ đạt các tiêu chí trên 80%. Ðể đạt được mục tiêu này, theo ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian tới các cấp, ngành chức năng cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; phát huy tốt vai trò của cộng đồng trong thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện; nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top