Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

08:57 - Thứ Tư, 09/09/2020 Lượt xem: 6651 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) nói chung, TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần cải thiện và thúc đẩy thụ hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của người DTTS trên địa bàn.

Do nông nổi, chưa nhận thức rõ hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, đầu năm 2019, Lò Văn Hà đã điều khiển xe máy biển kiểm soát 27AA-035.95 chở Lường Văn Hữu đến bản Nong, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng); trên đường trở về gặp Toán, Gương, Khải (cùng trú ở huyện Mường Ảng) đang đi bộ trên đường vắng nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của 3 người gồm: 1 điện thoại hiệu GOLI G3301, 1 điện thoại nhãn hiệu KECHAODA K310, 1 điện thoại nhãn hiệu MASSTEL A231 (tổng trị giá 300 nghìn đồng). Sau khi nhận tin báo, xác minh, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mường Ảng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà, Hữu về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Tại bản cáo trạng số 15/CT-VKSMA, Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã truy tố Hà, Hữu về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm c, Khoản 2, Ðiều 170 BLHS, đề nghị xử phạt Lò Văn Hà từ 36 - 42 tháng tù. Theo quy định, Lò Văn Hà và Lường Văn Hữu là đối tượng được TGPL vì là người DTTS. Trong quá trình điều tra, đối tượng đã có thái độ ăn năn, hối cải, nhận thấy rõ hành vi sai trái của mình và có bồi thường, khắc phục hậu quả. Do vậy, tham gia tranh tụng, bào chữa, trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những chứng cứ thuyết phục, đề nghị Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo; đề nghị dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử xử phạt 30 tháng tù, cho hưởng án treo, tạo cơ hội cho Hà và Hữu làm lại cuộc đời.

Trên đây là một trong số nhiều vụ TGPL cho người DTTS đã được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện. 6 tháng đầu năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thụ lý, thực hiện 524 vụ việc (kỳ trước chuyển qua 213 vụ việc, thụ lý trong kỳ 311 vụ việc) cho 524 lượt người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong đó, đối tượng được trợ giúp chủ yếu là đồng bào DTTS với 496 lượt. Số người DTTS được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự phần lớn sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhiều trường hợp không biết chữ, không thạo tiếng phổ thông và thiếu hiểu biết về pháp luật nên dễ bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trong quá trình tham gia tố tụng để TGPL cho đối tượng này, các trợ giúp viên của Trung tâm đã tư vấn, giải thích quy định của pháp luật cho đối tượng hiểu; động viên về mặt tâm lý, chia sẻ khó khăn, tìm biện pháp để có hướng trợ giúp tốt nhất…

Ông Ðỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Các lĩnh vực pháp luật và hình thức TGPL cho đối tượng DTTS được triển khai đồng bộ, đặc biệt là công tác tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho bị can, bị cáo, người bị hại trong các vụ án hình sự; nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án dân sự. Nhiều người DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông... đã nắm rõ quyền lợi của mình và được TGPL. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm chỉ có 22 biên chế với 2 phòng chuyên môn và 5 chi nhánh TGPL tại cấp huyện với tổng số 8 trợ giúp viên pháp lý, 12 luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng; 1 viên chức đang hoàn thiện thủ tục bổ nhiệm trợ giúp viên, 4 viên chức đang tập sự trợ giúp viên, 2 viên chức đang tham gia khóa đào tạo Luật sư tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, dự kiến sẽ có 2 viên chức tham gia khóa đào tạo nghề luật sư trong năm 2020. Với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là DTTS, bất đồng về ngôn ngữ; số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý cao (chiếm trên 80% dân số), số vụ việc nhiều. Trong khi đó số người thực hiện TGPL của Trung tâm còn ít; không thu hút được luật sư ngoài tỉnh bởi chế độ thù lao cho luật sư thấp; đội ngũ luật sư thực hiện vụ việc TGPL trên địa bàn tỉnh đều đã cao tuổi lại tập trung chủ yếu ở trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ nên việc thực hiện các vụ việc còn gặp nhiều khó khăn. Ðể nâng cao hiệu quả, bảo đảm quyền được TGPL của người DTTS, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức truyền thông TGPL nhất là tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa để người dân hiểu quyền lợi của mình. Ðồng thời, tích cực thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí ở các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top