Nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

08:35 - Thứ Tư, 21/07/2021 Lượt xem: 4799 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Sở Tư pháp đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót trong công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Qua đó góp phần quan trọng trong việc tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản QPPL thực sự có chất lượng, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Người dân xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản QPPL hiện hành tại bộ phận “Một cửa”.

Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Theo quy trình, khi có hồ sơ đề nghị thẩm định văn bản QPPL, Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, phân công cán bộ, phòng nghiệp vụ nghiên cứu, tiến hành dự thảo ra báo cáo thẩm định, từ đó đề xuất các thành viên thẩm định tham gia ý kiến vào nội dung trong văn bản. Nội dung thẩm định văn bản tập trung làm rõ căn cứ pháp lý để ban hành văn bản, sự cần thiết phải ban hành văn bản, sự phù hợp giữa nội dung văn bản của dự thảo với văn bản QPPL cấp trên; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản, tính hợp pháp, thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật. Trong quá trình thẩm định, Sở Tư pháp thể hiện rõ ý kiến về nội dung dự thảo đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Riêng đối với những chính sách đặc thù, Sở Tư pháp thẩm định 2 lần, trong đó thẩm định về chính sách và thẩm định về các dự thảo nghị quyết trước khi UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù. Sở Tư pháp còn tham gia ý kiến cả văn bản QPPL và văn bản hành chính bao gồm các kế hoạch, chương trình, đề án, công văn; tham dự các cuộc họp tư vấn xây dựng văn bản, tư vấn giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến các ngành, lĩnh vực của tỉnh khi có đề nghị.

Để công tác thẩm định đạt hiệu quả, việc tăng cường phối hợp đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản được Sở Tư pháp đặc biệt chú trọng, chủ động tham gia đóng góp các văn bản QPPL trước khi các cơ quan soạn thảo gửi thẩm định. Sở Tư pháp sẽ góp ý về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản, cơ sở pháp lý ban hành văn bản, thể thức kỹ thuật trình bày bảo đảm theo quy định giúp cơ quan soạn thảo xây dựng văn bản phù hợp với quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp luôn cập nhật thông tin qua nhiều kênh thông tin các tài liệu về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để phục vụ cho công tác thẩm định văn bản. Đối với những dự thảo văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực hoặc có tính chất chuyên môn cao, Sở Tư pháp họp tư vấn trao đổi, tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp), điều thuận lợi trong việc thẩm định văn bản QPPL là tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, trong đó đặc biệt tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn bản QPPL, gửi hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định và có tiếp thu, chỉnh lý kịp thời các nội dung dự thảo cho phù hợp, đúng ý kiến với Sở Tư pháp; hệ thống văn bản QPPL dần được hoàn thiện giúp công tác thẩm định được thuận lợi hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã thẩm định 19 dự thảo văn bản QPPL; tham gia góp ý 28 dự thảo văn bản; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát theo yêu cầu của bộ, ngành với tổng số 87 văn bản. Qua rà soát, đã đề nghị công bố hết hiệu lực toàn bộ 26 văn bản và 7 văn bản hết hiệu lực một phần; sửa đổi, bổ sung 2 văn bản, thay thế 1 văn bản. Đồng thời đã ban hành quyết định công bố danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2020. Thực hiện kế hoạch rà soát văn bản QPPL năm 2021, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát 15 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ 1/1/2014 - 31/3/2021 còn hiệu lực pháp luật, trong đó có 6 nghị quyết của HĐND tỉnh và 9 quyết định của UBND tỉnh.

Bài, ảnh: Mai Khôi
Bình luận
Back To Top