Ngăn chặn “tín dụng đen”

10:44 - Thứ Bảy, 31/07/2021 Lượt xem: 5181 In bài viết

ĐBP - “Tín dụng đen” đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi hơn với nhiều chiêu trò dụ dỗ. Và không chỉ tại những địa phương, khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động, “tín dụng đen” giờ đã len lỏi đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa tại tỉnh ta. Ngăn chặn có hiệu quả hoạt động phi pháp để lại nhiều hệ lụy này, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, từ gốc vấn đề...

Tạo cơ chế thông thoáng để người dân dễ tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng là giải pháp hạn chế “tín dụng đen”. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng tại xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) (Ảnh chụp trước tháng 4/2021).

Lằn ranh tín dụng

Bản chất xuyên suốt của “tín dụng đen” là cho vay với lãi suất cao, thậm chí rất cao, tuy nhiên từ lâu, từ “lãi suất” đã không tồn tại trên những hợp đồng cho vay của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, mà những hợp đồng này sẽ núp bóng hoạt động vay mượn dân sự để tránh sự kiểm soát, can thiệp của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, có một vấn đề rất rõ ràng mà các cấp, ngành chuyên môn, người dân đều hiểu nhưng chưa thể giải quyết một cách thấu đáo, đó là hoạt động cầm đồ. Căn cứ Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất vượt quá 20%/năm thì được coi là cho vay nặng lãi, trong khi lãi suất vay tín chấp  các ngân hàng thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước hiện nay khoảng từ 16 - 25%/năm, vay thế chấp từ 10 - 12%/năm. Trong khi đó người hoạt động kinh doanh cầm đồ còn phải thực hiện các khoản chi phí như: Mặt bằng, thuế, kho bãi... ngoài ra còn phải đáp ứng các yêu cầu giấy phép kinh doanh (giấy phép con) về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, có thể thấy các cơ sở cầm đồ nếu muốn có lãi thì một là phải giải ngân nguồn vốn... cực lớn (nhiều hơn ngân hàng), hai là thu lãi vượt quy định (nặng lãi). Và đương nhiên với quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, các hiệu cầm đồ thu lãi trên 20%/năm như một lẽ đương nhiên. Đây chính là nguyên nhân căn bản khiến những chủ thể kinh doanh cầm đồ “vượt rào” lãi suất và nảy sinh nhiều vấn đề, hình thức phức tạp khác...

Nhìn nhận một cách khách quan, người kinh doanh cầm đồ - một hình thức kinh doanh có điều kiện nhưng vượt lằn ranh pháp luật quy định đã là chấp nhận rủi ro, đầu tư vốn trong lĩnh vực này càng có tỷ lệ rủi ro cao hơn. Cụ thể như: Người vay bỏ trốn không trả tiền, thế chấp phải đồ của người vi phạm pháp luật (tang vật vụ án) hoặc hàng loạt những nguy cơ vướng vào hành lang pháp lý... Như vậy, theo quy luật kinh doanh, rủi ro cao thì phải lợi nhuận cao để bù đắp chi phí. Từ đây, sự phức tạp trong các “giải pháp kinh doanh” vì thế ngày càng tăng lên, kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản đều gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu vốn, đình trệ sản xuất, người lao động bị hạ thấp thu nhập, thất nghiệp tăng lên đồng nghĩa với nhu cầu huy động tài chính cũng tăng theo. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều tổ chức, chủ thể hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cho vay, cầm đồ đẩy mạnh các hoạt động cho vay không chính thống, đặc biệt là trên hạ tầng viễn thông, internet, mạng xã hội. Điển hình thời gian gần đây là các ứng dụng (app) trên điện thoại di động thông minh mời gọi vay tiền trực tuyến (chuyển khoản ngân hàng). Người vay và cho vay có thể giao dịch ở bất cứ đâu tại Việt Nam; điều kiện vay thì khá đơn giản, cụ thể, sau khi tải app trên kho ứng dụng di động (Google Play, App Store), điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, app yêu cầu người vay cho phép truy cập danh bạ và ảnh cá nhân trước khi được phê duyệt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, hình thức vay tiền qua app không có cơ sở pháp lý chắc chắn, việc cho vay không có bất kỳ cơ quan nào quản lý nên tiềm ẩn rủi ro rất cao về mặt pháp lý cũng như các tranh chấp phát sinh. “Tốt vay, dày nợ”, vay dễ, nhưng trả thì rất khó! 

Giải quyết từ gốc vấn đề

Theo thông tin từ Công an tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh có thời điểm diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa bàn. Cụ thể, từ tháng 4/2020 - 4/2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, làm rõ 8 vụ (tăng 5 vụ so với cùng kỳ), bắt 9 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố 6 vụ, 7 đối tượng. Các đối tượng ngoài hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” còn có các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điển hình như đối tượng Phạm Tiến Bảo, trú tại tổ 4, phường Na Lay, TX. Mường Lay bị phát hiện, bắt giữ về hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Bảo, cơ quan chức năng còn phát hiện và tạm giữ 106 dao kiếm các loại; 9 gậy kim loại dạng gậy bóng chày; 78 thiết bị, vật dụng kích dục nam nữ không được phép kinh doanh. Hay như tại huyện nghèo Điện Biên Đông,  Nguyễn Thế Trì (Trì cá), trú bản Mường Luân 1, xã Mường Luân hoạt động “tín dụng đen” và bị bắt giữ. Điều đáng nói là đối tượng mà Trì cho vay, rồi đe dọa, khủng bố để thu lãi suất “cắt cổ” là những người dân nghèo, chân chất ở vùng cao.

Để siết chặt quản lý đối với các hoạt động tín dụng dân sự, tự phát và đặc biệt là “tín dụng đen”, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh nhằm phát hiện giấy tờ, sổ sách ghi chép cho vay tiền, thế chấp tài sản có nghi vấn; đẩy mạnh nắm địa bàn, xác minh các đối tượng cho vay, đòi nợ thuê tạm trú. Hiện ngành chức năng tỉnh đã rà soát, lập danh sách quản lý 146 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính đang hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người đã và đang vướng vào “bẫy nợ tín dụng đen” vẫn âm thầm chịu đựng bởi nhiều nguyên nhân... Trong khi các cơ quan chức năng cũng rất khó can thiệp, kiểm soát do vượt ngoài thẩm quyền, ranh giới địa bàn quản lý...

Về nguyên nhân “tín dụng đen” gia tăng hoạt động thời gian qua, cơ quan chức năng xác định, do một bộ phận người dân có nhu cầu vay nhưng không đủ các điều kiện tiếp cận nguồn vốn ở các tổ chức tín dụng chính thống, nhận thức còn hạn chế nên đã tìm đến các cơ sở, cá nhân hoạt động tín dụng đen để vay tiền. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người có nhu cầu vay vốn “tín dụng đen” tham gia các tệ nạn như: Cờ bạc, cá độ, ma túy... nên cần tiền để hoạt động, chi tiêu bất hợp pháp. Như vậy, có thể thấy, “tín dụng đen” xuất phát từ nhu cầu cả hợp pháp và phi pháp. Theo quy luật, có “cầu” ắt có “cung”, với “một bộ phận không nhỏ” có nhu cầu phi pháp sẽ xuất hiện những đáp ứng phi pháp. Và với không gian số trải rộng như hiện nay, thiết nghĩ những hoạt động “rà soát, quản lý địa bàn” là chưa đủ. Vấn đề được đặt ra là chúng ta phải giải quyết được từ gốc. Cụ thể: Về mặt chế tài, cần phân định, làm rõ, triển khai các quy định mang tính khả thi đối với loại hình kinh doanh có điều kiện là cầm đồ; tăng cường ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn cờ bạc, cá độ... Về chính sách, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng chính thống cần tạo các cơ chế thông thoáng, thuận tiện hơn để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn an toàn. Và cuối cùng, cũng là nội dung mang tính then chốt: Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nhân dân hiểu rõ bản chất, tránh xa “bẫy tín dụng đen”.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top