Điểm tựa trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

09:28 - Thứ Ba, 03/08/2021 Lượt xem: 3835 In bài viết

ĐBP - Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật (NKT), thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng. Việc TGPL đó đã tạo điều kiện cho NKT tiếp cận, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật và trở thành điểm tựa về pháp luật, đảm bảo quyền lợi giúp NKT xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh truyền thông về TGPL và tư vấn pháp luật cho NKT trên địa bàn xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên).

Mấy năm nay, cuộc sống của gia đình bà V.T.H (84 tuổi), phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ cứ luẩn quẩn trong vòng xoáy tranh chấp, kiện tụng; bởi lý do người con trai thứ 2 cho rằng phần đất của bà V.T.H đang sở hữu là diện tích đất của mình nên dẫn đến tranh chấp về về quyền sử dụng đất và quyền thừa kế. Trong khi đó, gia đình bà V.T.H hiện có 2 người con gái và 1 người con dâu là NKT nên gia đình đã nhờ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn, hướng dẫn các thủ tục liên quan đến vụ việc, để trả lại quyền lợi cho bản thân và các con, nhất là khi trong nhà có NKT.

Là người trực tiếp TGPL cho gia đình bà V.T.H, bà Lê Thị Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh chia sẻ: Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để làm tốt công tác TGPL cho gia đình bà V.T.H. Thực sự, hoàn cảnh của gia đình bà V.T.H rất khó khăn với 2 người con gái và 1 người con dâu là NKT. Mặc dù tuổi đã cao, song hiện nay, người con trai thứ 2 của bà lại đang tranh chấp đất đai với mẹ và anh em. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho gia đình, chúng tôi đã cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí và đối với gia đình có các trường hợp NKT như bà V.T.H sẽ được ưu tiên hàng đầu. Trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, chúng tôi đã chủ động gặp gỡ những người làm chứng, người có quyền lợi liên quan… để thu thập và không để NKT tự làm. Đặc biệt vì đây là vụ việc tranh chấp gia đình nên chúng tôi cũng trực tiếp gặp người con trai thứ 2 để động viên hòa giải, nhưng gia đình người con đã không đồng ý nên phải có phán quyết cuối cùng của Tòa án Nhân dân. Ngoài ra, đối với gia đình có NKT, chúng tôi cũng đề nghị Tòa án Nhân dân áp dụng đầy đủ các biện pháp hỗ trợ đối với NKT, như: Miễn án phí, lệ phí… Và đến bây giờ, Tòa án Nhân dân các cấp đã có một số hoạt động phiên tòa xét xử và làm rõ vụ việc tranh chấp. 

Trước sự giúp đỡ, hỗ trợ của trợ giúp viên pháp lý, ông N.T.B - người con trai thứ 3 của bà V.T.H rất xúc động. Ông B bày tỏ: “Gia đình tôi có tranh chấp về đất đai suốt mấy năm nay rồi, nhưng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã hỗ trợ rất nhiệt tình và tìm mọi cách để giúp đỡ gia đình nên chúng tôi rất cảm ơn. Hiện nay, vụ việc vẫn còn một số vướng mắc nhỏ, vì vậy các trợ giúp viên pháp lý đang tư vấn, hỗ trợ và giải quyết để thực hiện những giấy tờ, thủ tục cần thiết”.

Trường hợp của gia đình bà V.T.H chỉ là 1 điển hình đã được các trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ. Nhìn chung, NKT trên địa bàn tỉnh đều có hoàn cảnh khó khăn, không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, đối tượng này không thể đi lại, giao tiếp nên gặp khó trong tiếp cận các dịch vụ và công tác TGPL... Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho các đối tượng NKT, trong giai đoạn 2010-2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL 10.199 vụ, 683 việc cho 11.062 lượt người có đơn yêu cầu TGPL. Trong đó, phân theo diện người được TGPL thì có 659 lượt người nghèo; 9.947 lượt người dân tộc thiểu số; 8 lượt người thuộc hộ nghèo; 80 lượt người có công; 15 lượt người già; 128 lượt trẻ em; trên 20 lượt người khuyết tật...

Với vai trò cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền pháp luật, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và tư vấn pháp luật. Bà Lê Thị Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho biết: Theo khảo sát, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 3.900 NKT có nhu cầu được truyền thông về trợ giúp pháp lý. Trong đó, hầu hết NKT không thể chủ động đến các điểm trợ giúp pháp lý lưu động, trung tâm hay chi nhánh để được yêu cầu trợ giúp nên công tác tuyên truyền được đơn vị thực hiện thường xuyên. Mỗi trợ giúp viên pháp lý thường tìm tới tận nhà để hỗ trợ những người khuyết tật mỗi khi nghe được trường hợp nào đang cần giúp đỡ. Đồng thời, tăng cường các đợt TGPL lưu động, truyền thông về TGPL thu hút đông đảo người dân tham dự, đặc biệt là trong Ngày Người khuyết tật (18/4) hàng năm; qua đó, lồng ghép tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về NKT; truyền thông về chính sách TGPL đối với NKT… Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngay từ đầu năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cũng đã tổ chức 2 buổi truyền thông về TGPL và tư vấn pháp luật cho NKT; thu hút hàng trăm NKT và người thân tham gia. Qua đó giúp người khuyết tật tự bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng cùng chung tay trợ giúp người khuyết tật.

Thực sự, hoạt động TGPL cho NKT trên địa bàn tỉnh thời gian qua có ý nghĩa rất thiết thực. Những NKT là đối tượng thiếu may mắn trong cuộc sống và khi nhận được sự quan tâm, đảm bảo quyền và lợi ích của mình đã giúp họ giảm bớt mặc cảm, được bình đẳng trước pháp luật. Từ thực tế đó góp phần đưa các chính sách về TGPL trở thành điểm tựa pháp luật cho NKT, để cùng toàn xã hội chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NKT trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top