Phía sau những phiên tòa

12:21 - Thứ Bảy, 11/09/2021 Lượt xem: 4385 In bài viết

ĐBP - Có những phiên tòa, đặc biệt là những phiên tòa xử án ma túy luôn để lại nỗi day dứt, bởi phía sau mỗi bản án là phận đời của những đứa trẻ đáng thương, vô tội.

Phàn Ngọc Duyên cùng ông ngoại đứng đợi bố ở cổng Tòa án Nhân dân tỉnh trong ngày vụ án được đưa ra xét xử.

Một ngày đầu tháng Sáu, trong chuyến công tác tôi gặp Phàn Ngọc Duyên và 3 người em đứng dưới giọt gianh ngôi nhà ở bản Huổi Lích 2, xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) ngóng cha mẹ về. Duyên sinh năm 2008, là anh cả trong gia đình, em bé nhất mới 2 tuổi. Bố Duyên là Phàn Láo Lở (sinh năm 1989), bị cơ quan chức năng bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy. Mẹ của em không còn người hỗ trợ gánh vác việc ruộng nương, mưu sinh nên đành để anh em Duyên ở nhà nhờ ông bà nội trông rồi đi làm thuê ở tỉnh Bắc Giang. Khi được hỏi, Duyên nói: “Mẹ cháu đi làm từ đợt sau tết. Mẹ gọi điện bảo nghỉ lễ 30/4 sẽ về thăm, nhưng đến nay vẫn chưa về được do dịch Covid-19. Nhớ bố mẹ, ngày nào cháu cũng cõng em ra đầu bản đợi bố mẹ về”.

Trở về thành phố, với bao công việc, lo toan. Bỗng một chiều trung tuần tháng Sáu, tôi giật mình khi thấy cậu bé Duyên ở cổng Tòa án Nhân dân tỉnh. Duyên đang loay hoay vịn tay vào song sắt cổng tòa, đôi chân trần liên tục kiễng lên, rồi cố gắng ngửa cổ nhìn sâu vào bên trong. Sợ làm em giật mình nên tôi kiên nhẫn đợi đến lúc em quay lại. Hỏi chuyện Duyên mới khẽ nói: “Cháu tìm gặp bố. Hôm nay tòa xử bố ở đây, nhưng cháu chưa đủ 16 tuổi nên không được vào phòng xử án”. Nhìn cậu bé 13 tuổi nhỏ thó, đen đúa, vượt trên 200 cây số với hi vọng được thấy bóng dáng người cha khiến ai nấy đều chạnh lòng xót xa...

Duyên cho biết, cùng đi với cháu còn có ông ngoại và 4 người họ hàng, tất cả đang đứng ở cổng phụ của tòa án, đợi khi bố em ra thì đưa gà với xôi do bà nội gửi. Nói rồi cậu bé dẫn tôi ra chỗ người thân của mình.

Ông Chảo Dần Sinh (ông ngoại của Duyên) bộc bạch: Trước kia, con rể hiền lắm, trong bản nhà ai có công việc cũng nhiệt tình giúp. Không biết nghe ai xúi giục giờ ra nông nỗi này. Nó đi tù để lại vợ dại con thơ, chẳng biết bao giờ về! Hôm nọ nghe tin ngày 23/6, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử vụ án, tôi đã bán 5 con gà, 3 bao thóc để ra thành phố. Lần đầu tiên ra tỉnh, mấy bố con ông cháu không biết tòa án ở đâu, phải hỏi thăm rồi đi lòng vòng đến gần 8 giờ mới tìm tới. Để đảm bảo phòng, chống Covid-19, tránh tập trung đông người, tòa hạn chế người không phận sự nên tôi cùng các con cháu đợi ở cổng với hi vọng sẽ nhìn thấy Lở từ xa.

Đứng ngoài tường bao của tòa án còn có hàng chục đứa trẻ, vợ, người thân của 5 bị cáo trong phiên xét xử, trong đó có cháu bé còn rất nhỏ, được mẹ địu ngủ say trên lưng!

11 giờ 30 phút, phiên tòa tạm nghỉ. Giữa thành phố đông đúc ông cháu Duyên không quen biết ai, cũng không đủ tiền để thuê nghỉ trọ đành bảo nhau lên khu vực Tượng đài Chiến thắng ngồi, bỏ nắm cơm với chẩm chéo ra ăn; chiều lại đưa cháu đến cổng tòa đợi, với hi vọng bố con được gặp nhau cho dù chỉ trong chốc lát.

Chiều muộn - phiên tòa kết thúc, 3 bị cáo bị tòa tuyên án tử hình, 1 án tù chung thân và 1 án 20 năm tù giam. Bị cáo Phàn Láo Lở (bố của Phàn Ngọc Duyên) bị tuyên phạt 20 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngồi phía ngoài của tòa án, tất cả người thân của các phạm nhân khi biết mức án đã bật khóc nức nở.

Khi chiếc xe chuyên dụng chở các phạm nhân đi tới, những đứa con, những người vợ, người mẹ, người cha chạy lại gần, dõi theo xe cho đến khi khuất tầm nhìn. Cậu bé Phàn Ngọc Duyên cố gắng chạy theo tay cầm gói xôi  gọi “bố ơi, bố ơi”! Nước mắt lăn trên má trong tuyệt vọng. Phía gốc cây dâu da xoan cạnh cổng tòa, mấy phụ nữ người Mông và các con ôm nhau khóc nghẹn. Bầu trời chợt sầm lại, như sắp mưa!

Không biết ngồi trong thùng xe tù Phàn Láo Lở và những phạm nhân khác có nghe thấy tiếng con mình gọi không, nhưng nhìn cảnh tượng đó khiến người khác xót xa! Những đứa trẻ ấy sẽ sống và lớn lên như thế nào khi ngôi nhà thiếu vắng cha? Những bản án nghiêm minh đã tuyên, còn tòa án lương tâm của những bậc sinh thành phạm lỗi lầm có day dứt đớn đau khi các con bị đánh cắp tuổi thơ?

Tú Anh
Bình luận
Back To Top