Nhân rộng mô hình hiệu quả về phổ biến giáo dục pháp luật

06:21 - Thứ Tư, 10/11/2021 Lượt xem: 4849 In bài viết

ĐBP - Năm 2020, mô hình “Phòng, chống mua bán người” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tuần Giáo phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tại 4 xã: Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông, Pú Nhung.

Cán bộ Hội LHPN huyện Tuần Giáo tuyên truyền, PBGDPL cho hội viên tại xã Ta Ma.

Chị Bạc Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuần Giáo cho biết: Đây là một trong những mô hình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Hội triển khai tại 4 địa bàn xã vùng cao của huyện. Hàng tháng, hội LHPN cấp xã thường xuyên xuống cơ sở, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 - 30; cập nhật kịp thời thông báo các phương thức thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các trang mạng xã hội. Nhờ chú trọng PBGDPL, tăng cường truyền thông đã nâng cao nhận thức cho người dân; giảm thiểu tình trạng mua bán người trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027 (Đề án 938) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện đã tích cực truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống, PBGDPL, kiến thức chuyển đổi hành vi của từng chuyên đề cho một số nhóm đối tượng đặc thù tại địa bàn trọng điểm như: Pú Nhung, Tênh Phông, Tỏa Tình, Rạng Đông, Ta Ma...  Thời gian tới, dự kiến Hội sẽ thành lập mô hình về khởi nghiệp kinh doanh, liên kết trồng rau xanh.

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp xây dựng một số mô hình điển hình về PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là mô hình “Ban thông tin truyền thông cấp xã” tại các huyện Mường Ảng và Điện Biên; mô hình “Mỗi ngày 1 câu hỏi, mỗi tuần 1 điều luật”, “Tháng, tuần điều lệnh”, “Tự giác, tự quản, tự rèn”; câu lạc bộ An ninh trật tự không có tội phạm, cụm liên kết an ninh trật tự; mô hình “Dòng họ tự quản, bản làng bình yên”; câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đặc biệt là các mô hình PBGDPL thuộc hệ thống Hội LHPN các cấp như: Mô hình “Phòng, chống mua bán người”, câu lạc bộ “Tư vấn tiền hôn nhân”, mô hình “Thay đổi nhận thức nhằm giảm thiểu tự tử bằng lá ngón”, 2 mô hình 3 không “Không di cư tự do, không xuất cảnh trái phép, không kết hôn trái pháp luật”, mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”, mô hình “Nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống”.

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, đặc biệt là các mô hình PBGDPL, Sở Tư pháp đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là hướng dẫn, đôn đốc việc tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được thông qua, tuyên truyền pháp luật gắn với sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh và PBGDPL trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, của ngành và cấp huyện. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Giai đoạn 2017 - 2021, UBND tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị PBGDPL, Sở Tư pháp cũng tổ chức 2 hội nghị cho hơn 1.000 lượt người là cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương, đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh, cán bộ làm công tác pháp chế và công chức tư pháp tham dự. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các cấp đã tổ chức hơn 4.201 hội nghị, lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho hơn 339.342 lượt người tham dự. Hàng năm, trung bình có trên 80% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp được tập huấn kiến thức pháp luật mới và kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top