Xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản

06:11 - Thứ Hai, 15/11/2021 Lượt xem: 4708 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh các doanh nghiệp tuân thủ quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, những năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước mà còn tác động không nhỏ đến môi trường, sinh thái, đời sống con người.

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Linh khai thác đá tại mỏ đá Cò Chạy, huyện Điện Biên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác còn thời hạn cho 20 doanh nghiệp với 27 điểm mỏ. Trong đó, có 19 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 4 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 1 điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 điểm mỏ khai thác chì kẽm và 2 điểm mỏ khai thác than.

Thời gian qua tỉnh đã ban hành các văn bản quy định, chỉ đạo, chấn chỉnh về các hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Trong đó yêu cầu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, các huyện, cấp xã, các tổ chức, đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tuân thủ, chấp hành đúng các quy định pháp luật về khoáng sản. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng trình tự quy định.

Mặc dù vậy, trong quá trình khai thác, chế biến, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản. Vụ việc điển hình là cuối tháng 4/2021, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản đối với Công ty cổ phần Thịnh Vượng đã có hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) 341m. Bên cạnh đó, Công ty đã có các vi phạm; làm biến dạng địa hình đất, thay đổi độ dốc bề mặt đất, làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề của khu vực khai thác ngoài phạm vi được cấp phép.

Tương tự, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Tây Bắc đóng trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên vì không lập hồ sơ quản lý chất thải nguy hại (không lập đăng ký chủ nguồn thải bằng báo cáo quản lý chất thải nguy hại lần đầu để cơ quan chức năng theo dõi và chấp nhận) theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Từ năm 2015 đến tháng 6/2021, qua công tác thanh tra đã phát hiện 11 tổ chức, đơn vị vi phạm các quy định về hoạt động khai thác khoáng sản. Các vi phạm chủ yếu, như: Không cắm mốc khu vực khai thác cát; khai thác vượt công suất được phép khai thác; khai thác ra ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép; khai thác làm biến dạng tài nguyên đất; không lập hồ sơ quản lý chất thải nguy hại… Ngoài ra, qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt 105 cá nhân, hộ gia đình khai thác cát trái phép, tịch thu tang vật vi phạm gồm 15 đầu nổ, cổ hút, 11 sên máy, 6 ống cao su vằn, 2 thùng phi, 2 rọ hút... Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế. Mặt khác công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn do lực lượng cán bộ cấp huyện, đặc biệt cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoáng sản kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn chưa thường xuyên, chặt chẽ; thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn thiếu, chưa thường xuyên nên chưa phát hiện kịp thời một số hoạt động khoáng sản trái pháp luật hoặc phát hiện nhưng chưa ngăn chặn, xử lý triệt để.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top