Y tếPhòng, chống HIV

Ươm mầm hy vọng

08:40 - Thứ Năm, 18/08/2016 Lượt xem: 3457 In bài viết
ĐBP - Bất kỳ người mẹ nào cũng mong những đứa con của mình được sinh ra khỏe mạnh. Còn đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, ước mong ấy lại càng cháy bỏng gấp bội phần và hy vọng đó đã đến với họ từ khi chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai thực hiện. Tham gia điều trị dự phòng, những phụ nữ có “H” đã bớt đi lo lắng, hoang mang mà yên tâm ấp ủ trong mình sinh linh bé bỏng.

Với số người nhiễm HIV đứng vào hàng tốp của cả nước, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa, thì tỷ lệ lây truyền bệnh từ mẹ sang con ở tỉnh ta sẽ cao, khả năng tăng mạnh. Vì vậy, để bảo vệ những mầm sống tương lai, công tác dự phòng lây truyền mẹ con thực sự rất cần thiết. Tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, phụ nữ mang thai khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh sẽ được tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí. Nếu phát hiện bệnh, các chị được điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) sớm. 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh ta đã xét nghiệm cho 4.026 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 1 trường hợp nhiễm mới và điều trị cho 5 phụ nữ có “H” mang thai mới, 11 trường hợp phụ nữ mang thai từ trong năm 2015 cũng đã sinh con khỏe mạnh.

 

Chị Quàng Thị X. cùng con trai.

Qua giới thiệu của cán bộ phòng khám ngoại trú (OPC) huyện Điện Biên, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lò Thị V., đội 2, xã Thanh An, một trong những người tham gia chương trình, mới sinh con vào đầu năm. Ôm đứa con trai đang say giấc, gương mặt chị V. sáng bừng niềm hạnh phúc. Không nén được những giọt nước mắt khi nhớ về khoảng thời gian mang thai, chị chia sẻ: Đón niềm vui sắp được làm mẹ cũng là lúc tôi phát hiện mình nhiễm HIV từ chồng. Nỗi đau đó tưởng chừng như không thể vượt qua, nhất là khi nghĩ đến đứa bé vừa phôi thai đã có nguy cơ mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhờ sự tư vấn của các bác sỹ, tôi đã tham gia chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Theo định kỳ thăm khám, tôi đều đặn đi xét nghiệm máu, 1 lần, 2 lần, rồi 3 lần... đều nhận được kết quả thai nhi âm tính HIV, đến khi con được sinh ra cũng vậy, tôi mừng mừng, tủi tủi, không nói lên lời”.

Tại huyện Điện Biên, từ đầu năm đến nay, còn có 11 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị, trong đó, 9 bà mẹ đã sinh con. Mặc dù đến khi các trẻ được 18 tháng tuổi, mới làm xét nghiệm cuối cùng và có kết quả khẳng định chính thức nhưng đến thời điểm hiện tại, các cháu đều khỏe mạnh. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện chỉ có 1 trẻ nhiễm HIV từ mẹ do người mẹ đi làm ăn xa, khi gần sinh mới về địa bàn, không được điều trị ARV. Tình trạng này còn có ở nhiều huyện khác, gây khó khăn cho công tác dự phòng lây truyền. Bác sỹ Trần Thị Huyền, Đội Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, kể lại: Vừa rồi, tại xã Mường Lạn có bà mẹ mang thai đi khỏi địa bàn, đến khi sắp sinh mới trở về, khi chuyển dạ mới được phát hiện nhiễm HIV. Các cán bộ y tế trong kíp mổ đẻ cho bà mẹ ấy đã nỗ lực hết sức, sử dụng các biện pháp can thiệp trong khi sinh để hạn chế thấp nhất tỉ lệ lây nhiễm bệnh cho đứa trẻ. Như một kỳ tích, đứa trẻ sinh ra may mắn âm tính với virus HIV. Còn các trường hợp được điều trị dự phòng từ đầu thì 100% trẻ sinh ra khỏe mạnh. Như để minh chứng cho hiệu quả công tác này trên địa bàn huyện Mường Ảng, bác sỹ Huyền dẫn chúng tôi đến thăm mẹ con chị Quàng Thị X., bản Bó Mạy, xã Ẳng Nưa. Chị X. phát hiện bệnh từ năm 2012 và điều trị ARV được 3 năm. Mặc dù đã có 1 cô con gái gần 5 tuổi (không bị nhiễm bệnh) nhưng vợ chồng chị vẫn muốn có thêm thành viên cho vui cửa, vui nhà. Tin tưởng vào chương trình dự phòng lây truyền, anh chị quyết định sinh thêm con. Tháng 6 vừa rồi, hạnh phúc như vỡ òa với gia đình chị khi 1 bé trai khỏe mạnh, nặng 3,5kg chào đời. Vừa nựng con uống sữa, chị vừa như khoe: Cháu được 4,5kg rồi, ngoan lắm cô chú ạ! Cháu biết mẹ phải kiêng không được cho cháu bú nên chăm uống sữa ngoài, không hay khóc đêm đòi sữa mẹ.

Những con số và các trường hợp cụ thể kể trên là sự khẳng định thuyết phục về hiệu quả triển khai và tầm quan trọng của công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh ta. Đồng thời, nó cũng thể hiện nhận thức của người dân nói chung, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói riêng về căn bệnh HIV/AIDS đã được nâng lên rõ rệt. “Nếu như trước đây nhiều phụ nữ còn e dè, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên khó tiếp cận, tư vấn về dự phòng lây truyền HIV thì những năm gần đây, chị em rất cởi mở khi nhắc đến căn bệnh này, sẵn sàng làm xét nghiệm để bảo vệ sức khỏe của mình và con, việc điều trị cũng được tuân thủ nghiêm ngặt, ổn định” - bác sỹ Lò Thị Tố Khuyên, Trưởng khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết.

Những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn tiếp thêm nghị lực sống cho người mẹ không may nhiễm HIV. Động lực sẽ được nhân lên, giúp họ mạnh mẽ hơn để vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy con khôn lớn nếu cộng đồng xã hội cảm thông, không kỳ thị người có “H”. Mong rằng mỗi người trong chúng ta đều mở lòng, sẻ chia với những người mẹ không may mắn ấy, góp phần đẩy mạnh công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giúp có nhiều hơn số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị sớm, nhiều “mầm non” được sinh ra khỏe mạnh và thêm nhiều hy vọng được đong đầy.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top